Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, viết: “Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có 3 nhạc sĩ coi vẽ như nghề - nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ”. Từ những năm 1980, tác giả của các ca khúc nổi tiếng như Quê em, Biết ơn Võ Thị Sáu, Chiều trên bến cảng Nguyễn Đức Toàn, hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ. Ông vẽ rất nhiều, vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài...
Trong âm nhạc, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà chú trọng đến thủ pháp. Nhạc của ông có rất nhiều “giọng” lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút đã đủ trở nên đặc sắc. Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa... Triển lãm tranh của nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đang diễn ra tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền.