Triển vọng phục hồi ngành thực phẩm, đồ uống

Dự báo năm 2022, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng bởi việc thích ứng an toàn với dịch bệnh sẽ thúc đẩy nhu cầu tại nội địa sẽ tăng trở lại. 

Chỉ ra những động lực tăng trưởng cho ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2022, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hành vi của người tiêu dùng Việt gần đây đã có sự thay đổi theo hướng chi tiêu sang thực phẩm tươi sống và đóng gói. Cùng đó là nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng và khách hàng thích mua sắm trực tuyến tại nhà. Từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vaccine Covid-19 và nhiều chính sách kích cầu kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, tập trung vào hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh. Đây là động lực chính thúc đẩy ngành thực phẩm đồ uống phục hồi. 

Ngành thực phẩm và đồ uống nhiều triển vọng phục hồi
“Chúng tôi kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý 2-2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Chúng tôi cũng kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so cùng kỳ nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như: thu nhập thực của người dân được cải thiện; du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại từ quý 1-2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống”, chuyên gia phân tích Hà Thu Hiền cho biết. 

Cùng với sự phục hồi, trong năm 2022 dự báo xu hướng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam là một phần do thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang thực phẩm tươi sống và đóng gói. Với xu hướng này, Công ty Deloitte đã thực hiện một cuộc khảo sát về kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kết quả, 84% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát. 

Xu hướng thứ hai là nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp gia tăng. Theo Fitch Solutions, thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình của Việt Nam sẽ kỳ vọng đạt 6.848 USD vào năm 2024. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp. 

Xu hướng thứ ba là các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Chuyên gia phân tích Hà Thu Hiền cho hay, dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến với sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, để thích ứng tốt hơn và phát triển phù hợp với tình hình mới, các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, phát triển năng lực kỹ thuật số cho hệ thống của doanh nghiệp và số hóa chuỗi cung ứng. Việc đào tạo kỹ năng được các doanh nghiệp triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng và thay đổi việc làm hậu Covid-19 một cách hiệu quả. Đặc biệt, để hiểu rõ nhu cầu và đặc điểm cá nhân của khách hàng mục tiêu với từng loại sản phẩm và tiếp cận marketing, đáp ứng hiệu quả kỳ vọng của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào công nghệ và dữ liệu.

Tin cùng chuyên mục