Không có đối thủ
Theo cuộc khảo sát được hãng tin Reuters thực hiện đối với 49 nhà chiến lược kinh doanh ngoại hối, có gần 2/3 số ý kiến cho rằng sự chênh lệch về lãi suất sẽ quyết định các diễn biến trên những thị trường ngoại hối lớn trong thời gian tới. Ngoài ra, có 2 chuyên gia lo ngại về sự tác động từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đối với thị trường ngoại hối. Có 80% các nhà phân tích được hỏi cho biết sự biến động trên thị trường ngoại hối sẽ gia tăng trong 3 tháng tới, đối với cả các đồng tiền chủ chốt, cũng như những đồng tiền đang nổi lên.
Trong khi đó, FED, hiện được các nhà giao dịch kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 tới và bắt đầu giảm lượng tài sản nắm giữ ngay sau đó, sẽ cung cấp các chính sách giúp đồng USD có lợi thế so với các đồng tiền chủ chốt khác. Ông Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu thuộc Công ty Quản lý đầu tư JP Morgan, cho biết: “Đồng USD rất mạnh vào thời điểm cuối năm, chủ yếu là do chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng và đà tăng lạm phát ở Mỹ so với các thị trường lớn khác như Nhật Bản và châu Âu. Thực tế là FED đang trở nên quyết đoán hơn và phản ứng để đạt được điều đó”. Các dự báo của giới truyền thông cũng cho thấy quan điểm tương tự, trong bối cảnh các nhà phân tích không kỳ vọng các loại tiền tệ chủ chốt và mới nổi sẽ tạo ra bất kỳ bước tiến đáng kể nào so với USD.
Trong số các loại tiền tệ mới nổi được thăm dò ý kiến, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được dự đoán sụt giảm giá trị gần 2% trong năm 2022; trong khi đồng ringgit của Malaysia và đồng rupee của Ấn Độ cũng dự kiến suy yếu khoảng 1%; đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo giảm 14% trong năm nay; đồng rand của Nam Phi được dự báo duy trì biên độ trong 6 tháng tới, nhưng giảm 0,4%. Hầu hết các đồng tiền chủ chốt hầu như không hy vọng có thể bù đắp lại sự mất giá của năm 2021 trong vòng 12 tháng tới. Đồng EUR được dự báo tăng trở lại chưa tới 1,5% vào cuối năm 2022, sau khi mất giá gần 7% trong năm trước đó. Đồng yen (Nhật Bản) dự kiến giao dịch quanh mức hiện tại và đồng franc Thụy Sĩ giảm khoảng 3% trong năm nay.
Đầu tư an toàn
Trước những đánh giá mới nhất về triển vọng tiền tệ của giới chuyên gia, các nhà tư vấn của Forbes, Mỹ, cho rằng vàng và bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Những người muốn mạo hiểm cũng có thể cân nhắc đến việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Các chuyên gia tư vấn của Forbes khuyến nghị, cần tránh mua một mã cổ phiếu đơn thuần. Khi thị trường tăng điểm, rất dễ xảy ra hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội và nhà đầu tư lao vào các cổ phiếu nóng có thể là cổ phiếu được rỉ tai rằng sắp lên giá. Thay vào đó, nhà đầu tư cần ý thức được việc đầu tư vào rổ chứng khoán (đầu tư theo chỉ số) nhằm hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng. Các thành phần trong rổ được lựa chọn và dựa theo khuyến nghị của các chuyên gia, hay được tùy chỉnh dựa theo sở thích của nhà đầu tư. Hai loại rổ chứng khoán được khuyến nghị cho năm 2022 gồm: rổ đa tài sản với mức rủi ro thấp và rổ luân chuyển ngành đa dạng với mức rủi ro trung bình. Xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp ESG được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ và trở thành dòng chính trong các xu hướng đầu tư toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trong khi đó, hãng tin CNBC, Mỹ, cho rằng có tới 22 cách đầu tư và kiếm tiền thông minh hơn vào năm 2022, nhưng tựu trung lại vẫn là đầu tư cho chính mình bằng việc kiểm soát tài khoản, đầu tư vào các quỹ chỉ số an toàn, tiết kiệm phòng khi sa cơ và quan trọng nhất là tìm ra số tiền có thể cần tích trữ để hỗ trợ bản thân khi vì một lý do nào đó phải ngừng làm việc toàn thời gian. Điều này sẽ khác nhau đối với mọi người, tùy thuộc vào thu nhập hiện tại, quy mô gia đình, vị trí, sức khỏe, kế hoạch hưu trí, khoản chi trả an sinh xã hội… với tâm niệm mọi sự có thể thay đổi bất cứ lúc nào.