Bỏ nhiều quy hoạch chuyên ngành
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Đó là các dự án: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị sẽ được sửa đổi, bổ sung, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, đồng thời với Luật Quy hoạch để đảm bảo việc thực thi Luật Quy hoạch.
Trong số những nội dung sửa đổi cụ thể, tới đây, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ không tiếp tục lập riêng mà trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ có nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện. Bên cạnh đó, quy hoạch điện lực cấp quốc gia cũng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia…
Quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm (theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm) cũng sẽ không tiếp tục được lập nữa, do an toàn thực phẩm là một lĩnh vực mà tùy theo yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, Nhà nước có các quy định về việc đảm bảo an toàn thực phẩm khác nhau. Việc quản lý an toàn thực phẩm cần chuyển sang lập đề án, chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm để tạo sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, để đảm bảo phát triển đồng bộ, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn là một nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tới đây, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn sẽ không tiếp tục lập riêng mà được tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thảo luận về nội dung này, các ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của dự án luật này cần tuân thủ nguyên tắc: chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định trong các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với Luật Quy hoạch.
Làm rõ khái niệm “quy hoạch vùng tỉnh”
Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, có thể hiểu “quy hoạch vùng tỉnh” - một khái niệm khá “lạ” được nêu trong trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch - thực chất là quy hoạch chuyên ngành xây dựng của một số khu vực đặc biệt trong một tỉnh và “quá chi tiết, phức tạp để có thể tích hợp vào quy hoạch tỉnh”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu… đều băn khoăn với nội hàm của loại “quy hoạch vùng tỉnh”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về định nghĩa, sự khác biệt của loại “quy hoạch vùng tỉnh” so với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện... “Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần thẩm tra rất kỹ và nêu rõ quan điểm nếu Luật Quy hoạch không có quy định về “quy hoạch vùng tỉnh” thì không nên đưa thêm khái niệm này vào, tránh tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để việc triển khai thực thi Luật Quy hoạch được thông suốt, vẫn còn tới khoảng 15 luật khác cần được điều chỉnh và yêu cầu các cơ quan có liên quan nỗ lực, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo quy trình xây dựng pháp luật để đảm bảo hiệu lực của Luật Quy hoạch từ 1-1-2019, tạo bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.