Trịnh Xuân Thanh nói về mấu chốt dự án Ethanol Phú Thọ dừng hoạt động

Sáng ngày 10-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ tiếp tục làm việc. Phiên tòa bắt đầu khá muộn, trước khi các bị cáo trả lời, ông Đinh La Thăng được cách ly. Trước khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục trả lời thẩm vấn. 

Biết dự án không thể thực hiện được ngay từ khi ký hợp đồng

Liên quan tới quá trình đấu thầu dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, Tổng Công ty xây lắp dầu khí - PCV có văn bản ngày 18-8-2008 (thời điểm đó chưa có dự án) mục đích là để "giữ chỗ" bởi lúc đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN đã có “tinh thần” triển khai dự án Ethanol; PVC là đơn vị thành viên thì có văn bản đề nghị đó. Thời điểm đó cũng chưa có liên danh nhà thầu, việc “giữ chỗ” làm trước, còn thực tế chưa biết yêu cầu gì cụ thể.

Trịnh Xuân Thanh nói về mấu chốt dự án Ethanol Phú Thọ dừng hoạt động ảnh 1 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa

Kết quả, Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí – PVB không đồng ý với văn bản mà bị cáo Thanh đề nghị, và tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Còn việc sau này PVB biết được các nhà thầu để gửi hồ sơ, theo lời bị cáo Thanh vì thời điểm đó PVB đã bán hồ sơ để đấu thầu; đồng thời với gói thầu TK05 thì một mình PVC không thể tự cung cấp thiết bị được, nên PVB giới thiệu các nhà thầu để kết nối với nhau, trong đó có nhà thầu Alfa Laval/Delta-T.

Trả lời luật sư về việc bị cáo chủ trì cuộc họp của HĐQT cùng với Ban Giám đốc có thuộc thẩm quyền không (cuộc họp ngày 26-5-2009), bị cáo Thanh khẳng định, thời điểm đó mình đang đi học, nhưng theo yêu cầu của lãnh đạo PVN, bị cáo phải họp cuộc họp đó.

“Có báo cáo trong PVC, với số tiền hơn 59 triệu USD để làm gói thầu TK05 là không thể thực hiện được, khi PVC họp với các liên danh, anh em báo cáo lên phải có trên 800 hoặc 900 triệu USD mới triển khai được dự án này. Do đó, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo tập đoàn và các anh ấy yêu cầu tôi phải làm với giá hơn 59 triệu USD. Sau đó, tôi tiếp tục đi học, còn quá trình ký hợp đồng tôi không nắm rõ”, Thanh trình bày và khẳng định ngay từ khi ký thì biết là dự án không thể làm được.

"Việc quyết định triển khai dự án với giá 59 triệu USD là quyết định của tập thể HĐQT và Ban Tổng Giám đốc hay cá nhân bị cáo?", luật sư hỏi. Bị cáo Thanh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi và cho biết, việc nội dung cuộc họp ngày 26-5-2009 và quyết định thông qua dự án với giá hơn 59 triệu USD được 100% biểu quyết thống nhất.

Đối với nghị quyết của HĐQT, kể cả Chủ tịch HĐQT không đồng ý mà các thành viên đồng ý với trên 50% thì nghị quyết vẫn được thực hiện – bị cáo Thanh cho biết.

“Nghị quyết của HĐQT hoàn toàn có giá trị khi quá bán, kể cả Chủ tịch HĐQT không đồng ý. Biên bản cuộc họp có thể rất nhiều thứ, nhưng nghị quyết mới mang giá trị về luật pháp”, bị cáo Thanh khẳng định.

Trước bục khai báo, bị cáo Thanh tiếp tục cho rằng, trong quá trình mình làm việc, không bao giờ ký trái bất cứ việc gì mà không đúng với nghị quyết của HĐQT, mà không thông qua HĐQT. Còn việc có thực hiện dự án là “theo sự chỉ đạo của PVN”.

“Trong dự án Ethanol Phú Thọ hoàn toàn là do vấn đề không đủ tiền để thực hiện và chủ trương của PVB không muốn làm nữa, nếu làm nữa càng lỗ vốn. Chúng tôi chỉ là nhà thầu đi làm thuê, đương nhiên chủ đầu tư phải phê duyệt thì mới có hiệu lực”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết và băn khoăn về dự án Ethanol Phú Thọ rằng, đã hơn 3 năm ngồi tù mà không hiểu tại sao vụ án này được đưa ra xét xử, đặc biệt với PVC không có gì vi phạm pháp luật.

Liên quan tới hậu quả của vụ án, theo cáo trạng, số tiền thiệt hại là hơn 500 tỷ đồng lãi vay của PVB, trong đó có trách nhiệm liên đới của Trịnh Xuân Thanh.

Về hậu quả này, Trịnh Xuân Thanh nói, rất phân vân vì những số tiền do lãi vay hoặc không phải do tham ô – đó là số tiền rất lớn. Bị cáo viện dẫn đã từng phải đền số tiền hơn 30 tỷ đồng trong vụ án “cố ý làm trái”, bản án đó bị cáo không biết lấy đâu ra tiền để thực thi.

Do đó, Thanh đề nghị HĐXX nghiên cứu, để khi ra một quyết định mà không thực thi được, thành ra luật pháp không nghiêm minh.

“Với thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, rõ ràng đây là dự án không đủ tiền và chủ đầu tư là những người góp tiền. Thời gian tháng 3-2013, bị cáo không còn điều hành PVC nữa, có công văn dừng không thi công dự án, đáng lẽ chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý hợp đồng hay đền bù hợp đồng, còn trách nhiệm triển khai tiếp là trách nhiệm của chủ đầu tư. Tiền lãi vay thì chủ đầu tư chịu, không thể bắt người đi làm thuê chịu và tới khi khởi tố vụ án bắt chúng tôi chịu trách nhiệm”, Trịnh Xuân Thanh nêu quan điểm.

Đổ tội cho cấp dưới

Theo cáo trạng, năm 2010, với mục đích mua hơn 3.000m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, bị cáo Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo các bị cáo dưới quyền ở PVC chuyển 25 tỷ đồng cho PVC Kinh Bắc để có tiền mua đất.

Trịnh Xuân Thanh sau đó lợi dụng việc góp vốn để hợp thức hóa 25 tỷ đồng tiền mua đất Tam Đảo. Song song, Trịnh Xuân Thanh lập Công ty Mai Phương, nhờ cha đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán. Năm 2016,  khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng.

Sáng nay, tiếp tục trả lời luật sư, Trịnh Xuân Thanh nói lại, mình không nhớ có “chỉ đạo” việc có tạm ứng tiền cho PVC Kinh Bắc hay không.

“Việc thực thi chuyển tiền hay không, Tổng Giám đốc hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hoàn toàn không có chuyện tôi chỉ đạo mà không đúng với Luật Kế toán. Trong trường hợp này, tôi rất ngạc nhiên tại sao lại có chuyện đó”, bị cáo này phân trần.

Liên quan tới thẩm quyền tạm ứng, Thanh dẫn giải thời điểm đó, doanh số của PVC khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, trong điều lệ của PVC có ghi “tất cả thanh toán sản xuất kinh doanh hoàn toàn do Tổng Giám đốc và Kế toán chịu trách nhiệm", không cần hỏi bị cáo bất kể việc gì liên quan tới chuyển tiền”.

Do đó, Trịnh Xuân Thanh lấy làm ngạc nhiên khi cáo buộc mình “bàn bạc” với bị cáo Đỗ Văn Hồng, cựu Chủ tịch PVC Kinh Bắc và những người khác ký chuyển tiền, mà lại không có những người đó tại tòa để làm rõ?

Sau đó, Thanh liên tục “đổ lỗi” cho ông Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC phải chịu trách nhiệm và việc làm của ông Thuận không đúng quy định.

“Tất cả các quyết định liên quan tới HĐQT phải xin ý kiến HĐQT, bất kể các kết luận nào của tôi chỉ mang tính định hướng. Khi tôi kết luận góp vốn thì chủ trương đó có từ đầu năm và tôi sẽ xin ý kiến HĐQT, sau đó mới ký quyết định góp vốn”, bị cáo Thanh khẳng định tại tòa.

Tin cùng chuyên mục