LTS: “Giữa rừng bát ngát mênh mông/ Bên anh sưởi đậm tình nồng kính yêu”, hai câu thơ trích trong bài thơ “Bên anh” tặng đồng chí Lê Đức Thọ của ông Trần Thanh Phan, phần nào nói lên những tình cảm sâu đậm của những người đồng chí trong những ngày công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Trần Thanh Phan, nguyên cán bộ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam về những kỷ niệm với đồng chí Lê Đức Thọ.
1. Nhận được tin đồng chí Lê Đức Thọ sẽ xuống Vũng Tàu, các anh Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo phân công tôi thay mặt địa phương kết hợp với T78 - Văn phòng Trung ương Đảng thống nhất thực hiện chương trình đón tiếp anh Sáu.
Gặp chúng tôi, anh Sáu đến bắt tay từng người, vỗ vai tôi và bảo: “Anh xuống Vũng Tàu lần này không phải đến làm việc với đặc khu, mà chủ yếu là đi nghỉ dưỡng. Vài hôm nữa, khi nào các anh sắp xếp được công việc, chúng ta cùng ngồi với nhau trò chuyện thân mật và giúp anh hiểu thêm một số tình hình đặc khu gần đây”.
Chiều hôm đó, tôi đến gặp riêng các anh trong đoàn đi theo phục vụ anh Sáu thì biết, tính anh Sáu giản dị, không thích hình thức, phô trương nên khi đến các địa phương để làm việc, anh thường căn dặn không nên tổ chức đón tiếp rườm rà, không mở tiệc chiêu đãi, tặng quà, nhất là không được yêu cầu, bày vẽ thêm chuyện này, việc nọ ngoài chương trình hoạt động mà anh đã duyệt và ngoài tiêu chuẩn đã được quy định.
Sau khi trao đổi và được các anh trong đoàn tư vấn, tôi về báo cáo lại với lãnh đạo đặc khu về hai ý định của đặc khu giao cho tôi thực hiện bị phá sản, đó là mời anh Sáu chuyển sang ăn nghỉ tại khu khách sạn cao cấp Rạng Đông dành cho khách VIP và điều một đầu bếp chuyên nấu nướng thủy sản phục vụ anh Sáu trong các bữa ăn hàng ngày.
Chiều hôm sau, tôi đến nhà khách thăm anh Sáu. Tôi vừa thăm hỏi sức khỏe xong, anh nói ý là tuổi cũng khá cao, sắp tới chưa biết có đủ sức khỏe đi lại bình thường hay không, nhân đang nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu, anh định cuối tuần ra thăm lại khu di tích nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù nơi anh đã bị địch bắt, đày ra Côn Đảo khi còn hoạt động bí mật. Anh còn dặn đi dặn lại thông báo cho huyện Côn Đảo đón tiếp anh như một khách đi tham quan, không tổ chức cho đài báo đến phỏng vấn, đưa tin, không tổ chức cho đại diện hoặc đoàn các cơ quan, đoàn thể đến chào hỏi thăm viếng, đặc khu cũng không nên cử đồng chí lãnh đạo nào đi cùng anh để khỏi mất công, mất việc.
2. Tại sân bay Côn Đảo, từ máy bay vừa bước xuống, chúng tôi gặp anh Tám - Bí thư Huyện ủy, anh Hai - Chủ tịch UBND huyện đã đứng sẵn ở chân cầu thang máy bay. Tôi liền giới thiệu với anh Sáu đây là hai đồng chí lãnh đạo huyện, cũng là cựu tù chính trị Côn Đảo. Sau 30-4-1975, hai anh tình nguyện ở lại Côn Đảo công tác đến nay. Anh Sáu bước đến ôm chặt từng người, rồi vừa cười vừa bảo hôm nay gặp lại hai “Chúa Đảo”.
Suốt trên đường từ sân bay về nhà khách, anh Sáu vẫn ngồi trầm ngâm nhìn ra hai bên đường, có lẽ đang suy tư nhớ lại kỷ niệm xưa khi xe chạy lướt qua các địa danh di tích lịch sử: Núi ông Lãnh, Trại giam Chuồng Bò, Cầu tàu 914, cây bàng Bác Tôn... Về đến nơi, thấy cách đón tiếp tại nhà khách không quá phô trương, anh Sáu tỏ ra hài lòng. Nghỉ xả hơi một lát, nghe anh Tám đề nghị anh Sáu nghỉ thêm cho đỡ mệt, anh Sáu vui vẻ cho biết vì thời gian có hạn nên chỉ nhờ các anh ở huyện giúp thăm một số nơi để kịp trở về Vũng Tàu.
Đến Nghĩa trang Hàng Dương, anh Sáu ngậm ngùi thắp nhang trước một số mộ phần, anh bảo chúng tôi đó là nơi an nghỉ cuối cùng của những đồng chí đã cùng anh vào sinh ra tử khi còn hoạt động bí mật và từng bị địch giam chung tại “địa ngục trần gian Côn Đảo” này.
Khi đến thăm khu Trại giam Phú Hải, anh Sáu đi thẳng vào xà lim nơi anh bị giam cầm tại đây cùng chung với anh Phạm Hùng. Trong khi cả đoàn ngồi ngoài sân, anh Sáu đi chậm rãi quanh khắp các xà lim nơi anh bị giam cầm năm xưa, dừng chân nhìn chiếc còng sắt đã khóa chặt đôi chân anh năm nào, rồi trở ra gặp chúng tôi, anh tỏ lời cảm ơn tất cả các đồng chí đang có mặt đã giúp anh được mãn nguyện khi trở lại Côn Đảo lần này. Rồi anh quay sang vỗ vai anh Tám, vừa cười vừa bảo: “Hôm nay trong đoàn đi viếng nghĩa trang, trở lại nhà tù đã có anh Sáu và anh Tám là nhân chứng, người thật việc thật tham gia, nên làm cho hai cô hướng dẫn thuyết minh cho đoàn bị thất nghiệp, phải không? Nhưng bữa cơm thân mật trưa nay nhớ tập hợp hai cô, lái xe, cô cậu ở nhà khách cùng đến dự chia tay”.
Đúng theo ý kiến ban đầu của anh Sáu khi vừa đến Vũng Tàu, các anh lãnh đạo đến báo cáo với anh về tình hình gần đây của đặc khu. Cuộc họp diễn ra như một buổi trò chuyện, trao đổi nhẹ nhàng, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Sau đó, anh gặp riêng tôi nhờ đánh máy bài thơ anh làm khi ra Côn Đảo vừa về. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh Sáu trước khi anh đi xa...
Trần Thanh Phan