Trở lại vụ “bức tử” rừng ở Quảng Nam: Có bao che phá rừng?

Liên tiếp trong 2 số báo ra ngày 14 và 15-7-2009, Báo SGGP đã có bài viết phản ánh về tình trạng gần chục đơn vị đua nhau phá nát rừng Khe Tre (thuộc xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam), để khai thác than đá, gây ô nhiễm trầm trọng. Ngay sau khi báo đăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã vào cuộc, chỉ đạo tỉnh Quảng Nam phải kiên quyết xử lý. Thế nhưng, vào ngày 2-3-2010, khi chúng tôi trở lại khu vực này thì tình hình không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trở lại vụ “bức tử” rừng ở Quảng Nam: Có bao che phá rừng?

Liên tiếp trong 2 số báo ra ngày 14 và 15-7-2009, Báo SGGP đã có bài viết phản ánh về tình trạng gần chục đơn vị đua nhau phá nát rừng Khe Tre (thuộc xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam), để khai thác than đá, gây ô nhiễm trầm trọng. Ngay sau khi báo đăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã vào cuộc, chỉ đạo tỉnh Quảng Nam phải kiên quyết xử lý. Thế nhưng, vào ngày 2-3-2010, khi chúng tôi trở lại khu vực này thì tình hình không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Đua nhau bạt núi, phá rừng

Vượt qua nhiều con dốc dựng đứng để lên tận đỉnh núi cao cả ngàn mét và chứng kiến những gì mà các đơn vị khai thác than đá ở đây gây ra đối với rừng Khe Tre chúng tôi thấy xót xa. Nói là rừng, nhưng tất cả đã bị cày xới, băm nát không còn một mảng xanh nguyên vẹn để gọi là … rừng. Hàng trăm hécta rừng nham nhở những vết “lở loét”. Những con suối thì lấp đầy bùn, than đen ngòm, đặc quánh.

Quay trở xuống thôn Thạnh Đại nằm ngay dưới chân núi, nghe nhà báo đến, hàng chục người dân kéo đến trình bày bức xúc lâu nay. Ông Nguyễn Cao Thiện – một người dân, ấm ức: “Nếu không nghiêm cấm khai thác than đá ở trên núi thì chúng tôi đi phá rừng, đi làm “lâm tặc” để sống”. Bởi theo ông Thiện cũng như hàng trăm hộ dân ở thôn Thạnh Đại thì ruộng đồng bị nước than chảy xuống làm lúa chết hết, trâu bò uống nguồn nước này cũng lăn đùng ra chết thì biết lấy gì mà ăn. Người dân nơi này, ngoài những sào ruộng lúa, không có bất cứ một nguồn sống nào khác.

Ông Phạm Trí thì cho rằng: “Lúc trước báo chí lên tiếng, thấy cán bộ về kiểm tra, dân mừng lắm vì nghĩ sẽ chấm dứt. Nào ngờ, được mấy ngày, khi đoàn kiểm tra rút đi thì họ (những đơn vị khai thác than đá – PV) tiếp tục ngày đêm cày xới, bạt núi. Ngay cả ngày mùng 1 Tết vừa rồi họ cũng không nghỉ. Đến nay thì không những 5 - 6 đơn vị nữa mà lên đến hàng chục đơn vị đưa máy ủi, máy xúc lên núi khai thác. Bây giờ họ còn dùng cả mìn để bạt núi, phá rừng lấy than. Thử hỏi dân chúng tôi ở đây làm sao sống”.

Cần nhắc lại là việc khai thác than đá ở núi Khe Tre đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 550 hộ dân của 3 thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ, An Điềm (thuộc xã Đại Hưng). Không những thế hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn cũng đang đối mặt với hiểm họa về môi trường, môi sinh khi mùa mưa lũ đến.

Bùn đất do khai thác than đá ở rừng Khe Tre chảy xuống lấp hết đất sản xuất của người dân xã Đại Hưng. Ảnh: NG.HÙNG

Bùn đất do khai thác than đá ở rừng Khe Tre chảy xuống lấp hết đất sản xuất của người dân xã Đại Hưng. Ảnh: NG.HÙNG

Trên chỉ đạo, dưới không làm?

Đem những bức xúc này trao đổi với ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông cho biết: “Hiện UBND tỉnh cấp phép cho 5 đơn vị khai thác than ở khu vực rừng Đại Hưng; trong đó có 3 đơn vị vừa được gia hạn thời gian khai thác. Còn những đơn vị khai thác trái phép thì tôi không nắm rõ, nhưng đang có tình trạng này. Việc người dân bức xúc là đúng. Chức năng của huyện là kiểm tra và truy quét những đơn vị hoạt động trái phép. Nhưng do địa bàn rừng núi, khi tiến hành kiểm tra thì những đơn vị này rút đi nên không bắt được quả tang để xử lý. Còn những đơn vị có giấy phép thì chỉ có thể yêu cầu họ hoàn thổ, phục hồi lại môi trường, trồng lại rừng theo quy định…”.

Không những thế, tại công văn số 327/BTNMT-ĐCKS do Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Nguyễn Văn Thuấn, ký ngày 1-2-2010 gởi UBND tỉnh Quảng Nam, nêu rõ: Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 14-7-2009 có bài “Bức tử” rừng để lấy than ở Quảng Nam… phản ánh về tình trạng rừng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị chặt phá trong quá trình khai thác than đá; Bộ TN-MT đã chỉ đạo kiểm tra, nắm bắt tình hình.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, báo cáo của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN-MT có ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh truy quét, giải tỏa ngay các vị trí khai thác than trái phép trên địa bàn huyện Đại Lộc; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác than trái phép.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát việc cấp giấy phép khai thác than, thu hồi các giấy phép không đúng thẩm quyền, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, có phương án bảo vệ rừng; yêu cầu các đơn vị khai thác than tổ chức san ủi, trồng cây trên diện tích đã khai thác… Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét không cấp thêm giấy phép khai thác than tại khu vực huyện Đại Lộc, tập trung chỉ đạo công tác khắc phục, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý…”.

Sau khi nhận công văn của Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND huyện Đại Lộc thực hiện những việc mà Bộ TN-MT đề nghị như trên.

Thế nhưng, qua khảo sát thực tế của chúng tôi tại khu vực rừng Khe Tre mới đây cũng như qua ý kiến người dân, thì việc khai thác than ở đây vẫn tiếp tục diễn ra và diễn ra với mức độ quy mô hơn. Không những thế, đến nay chưa thấy bất cứ đơn vị nào thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường, trồng lại rừng theo quy định…. Điều này chứng tỏ đề nghị của Bộ TN-MT vẫn chưa được các cấp, ngành ở Quảng Nam thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. 

NGUYỄN HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Phá rừng có... giấy phép?

>> “Bức tử” rừng để lấy than

Tin cùng chuyên mục