Trồng rừng hay phá rừng?

Bài 1: Trồng ít, phá nhiều!
Trồng rừng hay phá rừng?

Bài 1: Trồng ít, phá nhiều!

Càng giao cho các doanh nghiệp trồng rừng, Đắc Nông càng mất rừng nhiều hơn và đang phải trả giá cho những hậu quả về môi trường cũng như xã hội từ những dự án này. Từ năm này qua năm khác, tỉnh Đắc Nông liên tục lập đoàn kiểm tra, giải tỏa đất rừng bị chặt phá và xâm canh trái phép tại các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng kiểm tra nhiều bao nhiêu, rừng bị phá nhiều bấy nhiêu.

Tranh chấp đất rừng giữa người dân và bảo vệ của Công ty Green Garden Trường Xuân. (Ảnh do người dân cung cấp)

Tranh chấp đất rừng giữa người dân và bảo vệ của Công ty Green Garden Trường Xuân. (Ảnh do người dân cung cấp)

  • Đua nhau phá rừng

Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa và những con đường rừng càng thêm trơn trượt. Xe máy, xe cày, ô tô… chen chúc nhau trên con đường đất lầy lội đi vào xã Đắc Ngo (huyện Tuy Đức), điểm nóng phá rừng của tỉnh Đắc Nông. Đã chinh chiến qua nhiều cánh rừng Tây Nguyên, nhưng chúng tôi cũng phải xuống xe dắt bộ.

Vừa mới sáng sớm, con đường đất ngoằn ngoèo, quanh co này vẫn chưa mất dấu những chiếc xe cày chở gỗ từ đêm qua. Chúng tôi dừng xe ghi vội vài tấm hình, bỗng một người dân sấn lại nói: “Nhà báo à? Chụp đây ăn thua gì, đi vào xã mới nhiều”!

Quả đúng như vậy, khi chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Đắc Ngo, trước mắt hiện ra cảnh tượng rừng núi tan hoang y như thời chiến tranh. Hai bên đường, cây rừng bị đốt cháy nham nhở chưa kịp dọn và những rẫy mì, rẫy ngô, cà phê mọc lên xanh mướt. Những ngôi nhà tạm cũng đua nhau “mọc lên như nấm sau mưa” trên những cánh rừng bị phá. Đâu đó trong rừng vẳng lại tiếng máy cưa hối hả và tiếng cây rừng đổ ào ào.

“Chẳng thua gì thời chiến tranh”, anh bạn đồng nghiệp đi cùng thở dài xót xa. Nhưng anh Vàng A Thào (đang xới cỏ trồng mì nơi vạt rừng vừa bị đốn hạ) lại hồn nhiên trả lời: “Thiếu đất thì phải phá rừng thôi, không có đất lấy gì trồng mì, trồng ngô để nuôi gia đình”.

Nhà anh Thào có 5 người con, từ Cao Bằng vào đây lập nghiệp từ năm 2000. Sau khi tỉnh có chủ trương giao đất cho các doanh nghiệp, anh bị mất đất và quay lại phá rừng. Nơi vạt rừng anh vừa phá cũng đã được giao cho một doanh nghiệp, nhưng không có ai bảo vệ nên người dân ở xã đến phá rừng lấy đất.

Càng đi trung tâm vào xã, rừng bị phá càng khốc liệt hơn. Hai bên đường, rừng đã giao hết cho các doanh nghiệp trồng rừng nhưng chẳng thấy vạt rừng nào đáng gọi là rừng. Trụ sở các doanh nghiệp trồng rừng là những căn nhà tạm bằng gỗ, lợp tôn. Nhìn chẳng khác gì mấy cái lều tạm của người dân. Xung quanh đó, họ cũng trồng mì, trồng ngô như người dân, còn rừng chẳng thấy đâu.

Ông Phan Minh Thọ, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Minh Phúc, cho biết: “Ngày 27-11-2009, công ty được tỉnh giao 400ha rừng và đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ, trồng cao su. Nhưng hiện trên diện tích đó đã có 112 hộ dân xâm canh trồng mì với khoảng 202ha. Do người dân xâm canh trước khi tỉnh giao đất cho công ty, nên không thể đuổi họ đi được”.

Còn ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đắc Ngo, ngán ngẩm nói: “Rừng của xã đã giao hết cho doanh nghiệp, họ không giữ nổi lấy đâu xã giữ được. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh giải tỏa những nơi bị xâm canh, nhưng khi giao lại cho doanh nghiệp thì họ không bảo vệ và dân lại tái chiếm”.

Không riêng gì xã Đắc Ngo, tình trạng người dân xâm canh tại các dự án trồng rừng xảy ra trên khắp địa bàn huyện Tuy Đức. Qua đợt kiểm tra mới đây, tại 2 xã Đắc Ngo và Quảng Trực có khoảng 2.000 hộ dân lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích hơn 3.440ha của 10 doanh nghiệp nhận trồng rừng. “Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp ở đây cũng góp phần… phá rừng lấy đất”, một cán bộ kiểm lâm huyện Tuy Đức than thở.

Nhà tạm mọc lên, cây rừng ngã xuống tại một dự án trồng rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.

Nhà tạm mọc lên, cây rừng ngã xuống tại một dự án trồng rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.

Còn theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắc Nông, tính đến ngày 22-4, trên địa bàn huyện Tuy Đức có hơn 2.704ha rừng bị phá tại các dự án trồng rừng, tăng 1.337ha so với cùng kỳ năm 2010. Các dự án có diện tích rừng bị phá nhiều chủ yếu nằm tại vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước và xã Đắc Ngo gồm: Công ty Kiến Trúc Mới (bị phá 821,7ha), Công ty Long Sơn (493,3ha), Doanh nghiệp Phạm Quốc (224,3ha), Công ty 59 (200,8ha), Công ty Hoàng Ba (156ha), Công ty Hoàng Thiên (175,6ha), Công ty Minh Phúc (110ha), Công ty Bảo Châu (67,8ha)…

  • Công ty giang hồ?

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến một điểm nóng phá rừng khác ở huyện Đắc Song. Ở đây, có một doanh nghiệp trồng rừng hành xử theo kiểu giang hồ để tranh giành đất với dân trong khi chưa thực hiện việc hỗ trợ tài sản trên đất và công khai hoang cho người dân theo chỉ đạo của tỉnh.

Tháng 5-2009, UBND tỉnh Đắc Nông cho Công ty CP Green Garden Trường Xuân (ở đường 23/3, thị xã Gia Nghĩa, Đắc Nông) thuê 898,1ha đất rừng ở tiểu khu 1698 và 1706 của xã Trường Xuân (huyện Đắc Song) để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng trong diện tích được giao, có 147,6ha đất của người dân đang trồng mì, cà phê, cao su trước khi dự án được giao. Vì thế, đã xảy ra tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp.

Theo chân những người dân có đất tranh chấp với Công ty CP Green Garden Trường Xuân, chúng tôi vào tiểu khu 1698 và 1706. Giữa những cánh rừng loang lổ gỗ cháy sém, hơn chục hộ dân đang hối hả thu hoạch mì.

Chị Hoàng Thị Bình (thị trấn Kiến Đức, huyện Đắc R’lấp) vừa dỗ đứa con nhỏ vừa cho biết: “Nhà tôi có hơn 2ha mì mới trồng được mấy tháng nhưng cũng phải nhổ để bán lấy tiền đưa con về quê ăn học. Nếu không nhổ kịp, công ty sẽ cho người nhổ mất”. Cạnh đó, chị Phạm Thị An (ở thị trấn Kiến Đức) cũng đang tất tả cùng chồng nhổ mì.

“Công ty này giang hồ lắm, chưa đền bù cho dân gì cả nhưng đã cho người vào đuổi đánh, phá mì và phá nhà chúng tôi. Gặp phụ nữ đi làm rẫy họ còn tha, chứ đàn ông vào đây làm họ hành hung liền”, chị An tâm sự.

Theo đơn tố cáo tập thể của người dân, sau khi nhận được quyết định giao đất, Công ty Green Garden Trường Xuân đã cho người mang còng số 8, mã tấu, ống tuýp, chó dữ… đến từng nhà dân đe dọa. Họ còn cho người đi chặt cao su, cà phê, điều, tiêu… của người dân. Hơn 7ha cao su của ông Bùi Văn Thỉnh, hơn 1ha cao su của chị Mai Thị Vui, 2ha mì của ông Võ Văn Minh… bị bảo vệ công ty chặt phá tan nát.

Không những thế, bảo vệ công ty còn hành hung những ai cản trở. Anh Lê Văn Thắng, chị Phạm Thị An, anh Nguyễn Đức Thắng và nhiều người dân ở đây đều bị bảo vệ của công ty lôi về trạm đánh tơi bời. Riêng ông Võ Văn Minh bị đánh bất tỉnh, phải nhập viện và hiện giờ bị tàn tật không lao động được nữa.

Nhưng ông Nguyễn Đình Minh (Giám đốc Công ty CP Green Garden Trường Xuân) thản nhiên nói rằng: “Bảo vệ công ty chúng tôi không hề đánh ai cả, còn cây trồng của người dân bị ai chặt phá thì tôi không biết. Việc hỗ trợ công khai hoang và tài sản trên đất cho người dân theo quy định của tỉnh, chúng tôi không thực hiện được vì chẳng biết người dân ở đâu để thông báo cho họ đến làm việc”?

Nhưng ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Từ khi triển khai dự án đến nay, công ty chưa hề làm việc với xã tổ chức họp dân để xây dựng phương án hỗ trợ tiền cho họ”. Người dân cũng cho biết, hàng đêm họ còn nghe tiếng xe ô tô chở gỗ chạy ầm ầm từ dự án công ty ra quốc lộ 14.

Ngày 11-6-2008, UBND huyện Đắc Song đã có công văn gửi công ty này: “Đối với diện tích 147,6ha đất xâm canh, hiện nay nông dân đang trồng mì, UBND huyện đồng ý đưa diện tích này vào dự án… Đề nghị Công ty Green Garden phải bố trí kinh phí hỗ trợ tiền công khai hoang trên diện tích đất này cho nhân dân theo quy định”. Nhưng việc công ty này đối xử ngang ngược và không đền bù gì cho người dân là do có sự “tiếp tay” của Chủ tịch UBND xã Trường Xuân. Ngày 6-1-2010, ông Phạm Quốc Thụy đã ký vào biên bản xác minh với Công ty CP Green Garden Trường Xuân để công ty này hợp thức hóa việc thực hiện dự án, trong khi chưa hỗ trợ gì cho người dân. Lý giải việc này, ông Thụy nói rằng lúc đó mới lên làm chủ tịch xã nên “chưa hiểu rõ quy định và ký nhầm”.

Rõ ràng, các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đắc Nông đang gây nhiều bất ổn cho các vấn đề môi trường cũng như xã hội của tỉnh. Trồng chưa được bao nhiêu rừng, nhưng các doanh nghiệp đã để mất hàng ngàn hécta rừng.

- Bài 2: Giao tiếp… hay dừng?

Công Hoan


Bài 2: Giao là mất

Sau 5 năm thực hiện chủ trương giao đất trồng rừng cho các doanh nghiệp, hiện Đắk Nông đã có 35 dự án cho thuê đất với diện đất có rừng khoảng 17.527ha. Rừng chưa trồng được bao nhiêu nhưng diện tích rừng bị chặt phá trái phép đã lên tới 3.657ha. Cả doanh nghiệp và người dân đua nhau chặt phá, lấn chiếm và xâm canh rừng, làm cho cuộc chiến giữ rừng càng thêm phần nóng bỏng, cam go…

  • Giao rừng ồ ạt

Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, tính đến ngày 30-3, diện tích rừng bị chặt phá trái phép tại các dự án trồng rừng lên tới 3.657ha, tăng 1.979ha so với kết quả kiểm tra cùng kỳ năm 2010.

Lâm tặc đốn hạ ngay cả những cây rừng có gắn biển cấm chặt phá ở Tuy Đức.
Lâm tặc đốn hạ ngay cả những cây rừng có gắn biển cấm chặt phá ở Tuy Đức.

Những địa phương có diện tích rừng bị phá nhiều nhất gồm: huyện Tuy Đức 2.704ha, huyện Đắk Song 436ha, huyện Đắk G’long 325ha và huyện Cư Jút 148ha. Hầu hết, diện tích rừng bị chặt phá chủ yếu để trồng cao su vì cao su đang được giá. Trong số 35 dự án trồng rừng, chỉ có 9 dự án thực hiện có hiệu quả, số còn lại thường xuyên bị chặt phá và người dân xâm canh. “Lâm tặc” phá rừng chủ yếu là người dân, nhưng trong đó cũng có một số doanh nghiệp thuê người dân chặt phá để họ lấy đất trồng cây công nghiệp.

Tại cuộc họp ngày 14-7, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã cảnh báo Đắk Nông trong việc giao đất rừng cho các doanh nghiệp diễn ra ồ ạt nhưng không điều tra, khảo sát đầy đủ. Có nơi giao đất cho doanh nghiệp chồng lên đất canh tác của người dân, có nơi giao đất xâm phạm đến rừng thiêng và mồ mả của đồng bào gây ra tâm lý hoang mang, sợ mất đất và xảy ra tranh chấp. Có nơi, phần lớn đất đai nằm trong tay doanh nghiệp, người dân hầu như xâm canh trên đất của doanh nghiệp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện lâu dài. Từ đó, chủ rừng và cơ quan chức năng đều khó bảo vệ rừng.

Hệ quả việc giao đất rừng ồ ạt là hàng ngàn hécta rừng bị chặt phá và bị xâm canh trái phép. Theo thống kê mới đây của Sở NN-PTNT Đắc Nông, tổng diện tích đất rừng trong các dự án có tranh chấp với người dân khoảng 5.405ha nhưng cơ quan chức năng địa phương chỉ mới giải tỏa dứt điểm được 702ha (chiếm 13%). Trong số diện tích đất rừng được giải tỏa, một số dự án bị tái chiếm lại như dự án của Công ty Greenfeet Thái Lan, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng 59, DNTN Phạm Quốc, Công ty TNHH Vĩnh An…

Dân không có đất sản xuất, trong khi doanh nghiệp được giao đất thoải mái nên đã nảy sinh tâm lý cực đoan “doanh nghiệp có đất thì người dân cũng phải có đất để sản xuất” trong bộ phận dân di cư tự do và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Rồi điệp khúc “xâm canh - giải tỏa - tái chiếm - thu hồi” cứ lặp đi lặp lại gây mất ổn định xã hội, ngân sách Nhà nước và công sức bảo vệ rừng của địa phương.

  • Trồng ít - phá nhiều

Tại mục 2, Điều 3, Chương II, Quyết định 46 ngày 31-8-2005 của UBND tỉnh Đắk Nông quy định: “Đối với chủ rừng không có khả năng liên doanh, liên kết mà đang quản lý đất rừng không hiệu quả thì sẽ bị thu hồi để giao cho các nhà đầu tư trồng cao su hoặc điều”. “Chủ rừng” trong quyết định này là các công ty lâm nghiệp quốc doanh, còn “nhà đầu tư” chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.

Đây là quyết định mở đường cho việc xóa sổ lâm nghiệp quốc doanh, chuyển vai trò quản lý đất rừng cho tư nhân. Thực hiện chủ trương này, đến cuối tháng 3-2011 đã có 35 doanh nghiệp được tỉnh giao, cho thuê 23.948ha đất rừng. Đây là cuộc khai thác tài nguyên rừng với quy mô lớn nhất tại Đắk Nông nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung.

Việc thu hút các dự án trồng rừng của Đắk Nông chắc không ngoài mục tiêu tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và trồng lại rừng đã mất. Nhưng thực tế, địa phương nhận được gì? Việc “trồng ít phá nhiều” đã rõ, khi có tới 3.657ha rừng bị chặt phá trái phép. Những lao động địa phương làm việc tại các dự án trồng rừng có hợp đồng lao động dài hạn chỉ có 651 người, chiếm 27,6%. Còn về thu ngân sách chắc chắn chưa được bao nhiêu vì mới có 9 dự án triển khai hiệu quả, 26 dự án còn lại đang nhập nhằng và thiếu năng lực tài chính. Trong khi đó, hàng năm tỉnh thường xuyên phải huy động tiền của và con người đi giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm thay cho các doanh nghiệp (!).

  • Dừng hay tiếp tục?

Trong khi rừng bị mất nhiều diện tích nhưng các chủ rừng để mất rừng lại bị xử lý quá nhẹ. Theo đề xuất tại Công văn số 382 ngày 22-4-2011 của Sở NN-PTNT Đắk Nông gửi UBND tỉnh, “nếu chủ rừng không làm tròn trách nhiệm và có sai phạm phải xử lý hành chính và bắt chủ rừng bồi thường thiệt hại giá trị rừng theo đúng quy định hiện hành”? Sau đó, sở đề nghị tỉnh thu hồi dự án của 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH Luân Thịnh, Công ty Greenfeet Thái Lan, Công ty Hồng Gia Phát và Công ty gỗ Thăng Long. Nhưng ngày 9-5-2011, tại công văn số 1591, tỉnh chỉ giao cơ quan chức năng cũng cố hồ sơ để thu hồi 3 dự án của các công ty Ngọc Thạch, Luân Thịnh và Hồng Gia Phát.

Cuối năm 2007, khi tình trạng phá rừng diễn ra ồ ạt tại các dự án trồng rừng, tỉnh Đắk Nông đã có công văn tạm dừng việc thu hút các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng không hiểu sao, từ đó đến nay các dự án trồng rừng vẫn tăng lên theo từng năm chứ không hề giảm chút nào.

Ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, cho rằng: Tỉnh cần dừng thu hút các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp để kiểm tra lại diện tích rừng và phân khoảnh, phân lô rõ ràng từng tiểu khu rừng để giao trách nhiệm quản lý cho chủ rừng. Những diện tích rừng đã bị dân xâm canh và chưa giao cho các doanh nghiệp, nên giao lại cho dân canh tác để họ ổn định đời sống. Giải tỏa, thu hồi là biện pháp bất đắc dĩ và chỉ giải quyết tạm thời những tranh chấp mà thôi. Còn về lâu dài, ổn định đời sống cho người dân mới là biện pháp tốt nhất để hạn chế việc phá rừng.

Quả thật, đã đến lúc tỉnh Đắk Nông cần tạm dừng thu hút các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp để kiểm tra năng lực các doanh nghiệp và xử lý thích đáng những doanh nghiệp để mất rừng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục