Trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật về đề tài chiến tranh” - Những góc nhìn chân thực

Chiến tranh và nỗi đau chung
Trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật về đề tài chiến tranh” - Những góc nhìn chân thực

Tiến tới kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 20-3, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật về đề tài chiến tranh” (*) trong đó có bộ sưu tập của danh họa nổi tiếng thế giới người Tây Ban Nha Francisco de Goya y Lucientes (1746 - 1828). Chuyên đề còn trưng bày 205 tác phẩm các họa sĩ Việt Nam.

Tác phẩm “Tôi đã thấy cảnh này” của danh họa F.Goya.

Tác phẩm “Tôi đã thấy cảnh này” của danh họa F.Goya.

Chiến tranh và nỗi đau chung

Bộ sưu tập của danh họa F. Goya gồm 33 tác phẩm tranh khắc, được sáng tác trong giai đoạn từ 1810 - 1820. Đây là những tác phẩm nằm trong loạt tranh “Những thảm họa chiến tranh” mà F. Goya sáng tác trong cuộc chiến giành độc lập tại Tây Ban Nha (1808 - 1814). Dưới những nét khắc sắc, mạnh mẽ và tinh xảo, F. Goya đã phơi bày thực trạng tàn bạo của những cuộc chinh phạt, tái hiện cả một phóng sự về thời kỳ đau thương của chính đất nước ông. Thái độ căm ghét chiến tranh được F. Goya thể hiện qua hình ảnh những người dân bị áp bức, nô lệ, bị chà đạp nhân phẩm,… hay cái nhìn xót xa của ông trước hình ảnh phụ nữ, trẻ em cũng trở thành nạn nhân của những kẻ xâm lược mất nhân tính. Những tác phẩm này hết sức giá trị, thể hiện những xúc cảm của F. Goya khi thành phố Zaragossa quê hương ông và đất nước Tây Ban Nha của ông phải gánh chịu những thảm họa của cuộc chiến tranh xâm lược.

Trước đây, những tác phẩm này thuộc quyền sở hữu của tiến sĩ Hans Guggenheim, nhà sưu tập người Mỹ gốc Đức, mua tại đất nước Tây Ban Nha từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ II. Tháng 10-2008, những tác phẩm này đã được giới thiệu lần đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Kết thúc triển lãm, tiến sĩ Hans Guggenheim đã trao tặng cho bảo tàng với mong muốn các họa sĩ trẻ VN có thể học được điều gì đó từ các tác phẩm của F. Goya về tranh khắc và nghệ thuật đồ họa.

Góc nhìn nhân văn

Ngoài 33 tác phẩm kể trên, triển lãm còn có sự góp mặt của 205 tác phẩm đồ họa của các họa sĩ VN sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nội dung các tác phẩm tập trung ở một số chủ đề chính: những ký ức trong thời chiến, mô tả cảnh sinh hoạt, học tập, chiến đấu của quân và dân VN, thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ của bạn bè thế giới với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Đó là những tác phẩm thắm đượm tinh thần yêu nước, thực hiện theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng trong nhiệm vụ “văn hóa cũng là một mặt trận” của các họa sĩ: Nguyễn Văn Tỵ, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thụ, Cao Trọng Thiềm, Vũ Huyên, Lê Thiệp… (trong kháng chiến chống Pháp) và các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Thanh Châu, Hoàng Minh Hải, Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Toàn Thi, Hoàng Trầm… (trong những năm chống Mỹ). Ra đời từ những thời điểm lịch sử khác nhau nhưng các tác phẩm đều thể hiện một chủ đề chung: ngợi ca sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Cũng là những góc nhìn chân thực và nhân văn về chiến tranh, ngoài những điểm tương đồng với danh họa F. Goya, tác phẩm của các họa sĩ VN không chỉ thể hiện ý khí chiến đấu kiên cường, tinh thần đoàn kết bất khuất, mà còn phả vào tác phẩm tinh thần lạc quan yêu đời, tình yêu thương đồng bào, đồng chí và thiên nhiên. Cuộc trưng bày lần này nhằm gởi đến tất cả chúng ta thông điệp: hãy làm tất cả để không còn phải chứng kiến những nỗi đau do chiến tranh gây ra!

(*) Trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, số 97A Phó Đức Chính, quận 1, từ 20-3 đến hết ngày 10-4.

Minh An

Tin cùng chuyên mục