Trưng bày đồ ngự dụng triều Nguyễn

Trưng bày đồ ngự dụng triều Nguyễn

Tại nhà hàng Sĩ (7A, Ngô Văn Năm, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), người yêu cổ ngoạn đang được chiêm ngưỡng những đồ ngự dụng của các vua nhà Nguyễn đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc), Sèvres, Limoges (Pháp).

Đây là bộ sưu tập đồ ngự dụng triều Nguyễn (từ năm 1802 đến năm 1945) của ông Trần Đình Sơn, gồm 47 hiện vật: bát (chén), đĩa, thố, li, bình, mâm bồng…Những hiện vật đều toàn hảo và rất đẹp. Tiêu biểu như: đĩa sứ, men xanh trắng, trang trí đề tài long truy, hiệu đề Thiệu Trị niên chế, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc); đĩa sứ, men nhiều màu, trang trí đề tài ngũ phúc, hiệu đề Tự Đức niên tạo, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc); tiềm có nắp, sứ men xanh trắng, trang trí đề tài viên long, hiệu đề Thiệu Trị niên tạo, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc); mâm bồng, sứ men xanh trắng, trang trí đề tài viên long, hiệu đề Thiệu Trị niên tạo, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc); đĩa, sứ men trắng nhũ vàng và vẽ màu, thời Thành Thái, đặt làm từ Sèvres (Pháp); bát, sứ men xanh trắng, trang trí đề tài viên long, hiệu đề chữ Nhật, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc); bộ bình và tước uống rượu, pha lê, men màu và nhũ vàng, thời Thành Thái, đặt làm từ Sèvres (Pháp); đĩa, đồng tráng men, trang trí rồng vờn mây, hoa, chim, bướm, rơi, chuồn chuồn, hiệu đề Minh Mạng niên chế, đặt làm ở trấn Cảnh Đức (Trung Quốc)...

Những hiện vật được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: BẰNG VÂN

Cái tên Trần Đình Sơn từ lâu đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật cổ Việt Nam, nhất là ở mảng cổ ngoạn. Xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, cụ cố là Trần Đình Bá giữ chức thượng thư bộ Hình qua hai triều vua Duy Tân và Khải Định, lại có truyền thống yêu chuộng cổ vật nên ngay từ nhỏ cậu bé Sơn đã được đắm mình trong không gian đầy cổ vật và được ông nội dạy chữ Hán để khám phá được cái hay, cái đẹp trong những con chữ, câu thơ ghi lại trên đồ cổ. Là cháu đích tôn nên Sơn được giao nhiệm vụ lau rửa, giữ gìn đồ thờ. Sống trong không gian cổ kính ấy Sơn đã mê luôn những món đồ xưa lúc nào chẳng hay. Lớn lên một chút, anh đã biết đọc sách của học giả Vương Hồng Sển và la cà đến tiệm của bà Cháu ở đường Phan Bội Châu, tiệm  Nam Cát ở gần cầu Đông Ba để tìm mua những cái chung trà… Năm 1968, 19 tuổi, vào Sài Gòn học, Sơn đến thọ giáo ngay cụ Vương Hồng Sển và được cụ yêu quí, xem như một người bạn nhỏ và chỉ vẽ cho rất nhiều kiến thức về cổ ngoạn. Sưu tầm, nghiên cứu và chia sẻ kiến thức về đồ cổ trở thành cái nghiệp mà suốt đời ông Sơn hạnh phúc được mang. Đến nay, bộ sưu tập đồ cổ của ông đã lên tới hàng ngàn món với nhiều chủng loại, niên đại. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về thú sưu tầm, nghiên cứu và thưởng ngoạn cổ vật, trong đó được nhiều người săn lùng nhất là cuốn Những nét đan thanh.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, thống kê được trên những đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn có 52 hiệu đề ghi năm trùng hợp với thời gian đi sứ của 25 sứ bộ trong tổng số 42 sứ bộ được nhà Nguyễn cử sang Trung Hoa từ triều Gia Long đến Khải Định. Những đồ sứ này hiện vẫn tồn tại với số lượng lớn trong kho của bảo tàng cổ vật cung đình Huế và trong các bộ sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước. Cũng theo TS Anh Sơn, nhiều thương nhân, phú hộ cũng kí kiểu đổ sứ cho nhu cầu riêng. Chúng được ghi dấu bằng các hiệu đề Hà Nội kì xương, Hà Nội quảng kí phát thức, Đinh mão thiên thành…

Ông Nguyễn Văn Sĩ, nhà sưu tầm cổ vật, chủ nhà hàng Sĩ - nhà tổ chức triển lãm, tâm sự: “Cái hay, cái đẹp không thuộc của riêng ai. Quan trọng ta có thể hiểu được nó hay không. Với bộ sưu tập đồ ngự dụng triều Nguyễn, nhà sưu tầm và nghiên cứu Trần Đình Sơn đã đem ra trưng bày với mong muốn mọi người dân hiểu thêm về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn. Chúng tôi rất vinh dự được tổ chức cuộc triển lãm này”.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục