Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, người phát ngôn IHEC Sirvan Zirar cho biết những người dân thuộc khu vực này có thể bỏ phiếu qua mạng Internet.
Độc lập cho người Kurd được xem là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông và việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là cơ hội lớn cho Washington biến điều đó thành hiện thực.
Nên khi các lực lượng người Kurd tham gia vào cuộc chiến chống IS cùng với quân đội Iraq, một điều kiện được đặt ra là sau khi chiến thắng IS, Baghdad phải thực hiện việc tái cơ cấu lại quyền lực. Từ đó trở đi, Washington và lãnh đạo người Kurd luôn hành động theo hướng đó.
Người dân Syria tại nơi lánh nạn ở Jibreen, ngoại ô phía đông thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: UNICEF
4 nước Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nơi có đông người Kurd sinh sống, đã phản ứng khá gay gắt và cho rằng đây là “một sai lầm nghiêm trọng” gây bất lợi cho Iraq, kéo theo các bất ổn trong khu vực và gây thêm căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-8 còn cảnh báo các kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của KRG có thể dẫn đến nội chiến ở Iraq.
Về phần mình, Iraq đã có những nước đi riêng khi bộ Quốc phòng nước này ký một bản thỏa thuận với Iran về mở rộng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan, đảm bảo an ninh biên giới, trao đổi về giáo dục, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị quân sự.
Cùng với đó, Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki đã tới Nga và đạt được thỏa thuận mà theo đó Nga sẽ cung cấp cho Iraq hàng trăm xe tăng T-90. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc điện đàm với ông Massoud Barzani đã yêu cầu hoãn cuộc trưng cầu này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân thực sự của Mỹ trong vấn đền này là do Washington e ngại Iran và Nga gia tăng vị thế.
Trong khi người Kurd tại Iraq đang chuẩn bị cho nền độc lập thì người anh em của họ tại Syria cũng ráo riết xây dựng cho mình một cơ chế tự trị.
Theo một quan chức chính quyền khu tự trị của người Kurd tại miền Bắc Syria, cộng đồng này sẽ tổ chức bầu cử tại các hội đồng ở địa phương và khu vực vào tháng 11 năm nay và tháng 1-2018.
Mục tiêu thiết lập một cơ chế tự trị tại khu vực phía Bắc Syria đã được cộng đồng người Kurd tại nước này theo đuổi từ lâu, nhất là khi xảy ra cuộc nội chiến tại Syria vào năm 2011.
Một khi mục tiêu này thành hiện thực, thì một nhà nước độc lập tách khỏi Syria sẽ là mục tiêu tiếp theo của cộng đồng người Kurd tại nước này.
Việc chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq quyết định trưng cầu ý dân về một nền độc lập cùng với một nền tự trị mà người Kurd tại Syria đang theo đuổi sẽ khiến tình hình khu vực vốn đã bất ổn lại càng thêm bất ổn.
Đây không chỉ là nỗi lo của riêng chính phủ Iraq và Syria, mà nó còn là nỗi lo của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Giới phân tích nhận định, bên cạnh việc chống khủng bố, chính quyền 4 quốc gia Trung Đông này thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc để làm nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.