Trước ngày 1-1-2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 ​

Cuối phiên họp sáng 13-11 Quốc hội đã họp phiên bế mạc, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến. Tại phiên họp, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn của kỳ họp với tỷ lệ tán thành đạt 96,19% trên tổng số ĐBQH.
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết

Nghị quyết nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại phiên chất vấn.

Trước ngày 1-1-2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 ​ ảnh 1 Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực y tế, trước ngày 1-1-2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch.

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khám bệnh, chữa bệnh; bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh; quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế. Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm Covid-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đáng lưu ý, đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19 bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba.

Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine phòng Covid-19 trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vaccine.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm. Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em…

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bố trí đủ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Có giải pháp cụ thể, sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học.

Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ, phát triển hộ kinh doanh; xây dựng, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; sớm ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025…

Đáng lưu ý, Quốc hội yêu cầu chậm nhất là ngày 31-12-2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong tháng 12-2021, phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển kinh tế và liên kết vùng.

Trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tăng cường công tác vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt chú trọng đối với các dự án có quy mô lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kết nối hạ tầng có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, các khoản hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục