Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Thủ Đức: Trăn trở chuyện dân sinh

Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Thủ Đức: Trăn trở chuyện dân sinh

Quận Thủ Đức nằm ở phía Đông Bắc TPHCM, có nhiều thuận lợi về giao thông, đất đai, lao động, kinh tế và được TPHCM tạo nhiều điều kiện phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015, quận Thủ Đức vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh trong phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, tăng dân số, tệ nạn xã hội, quản lý đô thị, xây dựng...

Những “món nợ” với dân

Trong số 8 công trình trọng điểm được xác định ở nhiệm kỳ 2005 - 2010, đến nay quận Thủ Đức mới hoàn thành 3/8 công trình, 1 công trình đang bồi thường giải phóng mặt bằng, 1 công trình vừa khởi công và 3 công trình có tiến độ chậm. Đáng kể nhất là dự án đầu tư mới và đưa vào sử dụng khu chung cư, trung tâm thương mại (khu phố 3, phường Linh Tây) có tiến độ triển khai rất chậm do thiếu sự tập trung chỉ đạo và phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật.

Hay dự án đầu tư xây mới hoàn chỉnh trung tâm thể dục thể thao tại khu hành chính mới (7,2 ha) đã tiến hành lập quy hoạch 1/500 nhưng phải hết năm 2010 mới có thể triển khai việc lập thủ tục đầu tư. Còn dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Trường Thọ (đoạn nối từ đường Nguyễn Văn Bá đến Kha Vạn Cân) hiện mới trình TP phê duyệt và tiến độ thực hiện đang ở giai đoạn “phấn đấu giải tỏa đền bù và triển khai nâng cấp trong năm 2011 - 2012”. Các dự án xây dựng khu dân cư đô thị tập trung lớn chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ mà còn kéo dài như khu dân cư đô thị 198 ha ở phường Hiệp Bình Phước, khu Tam Bình 2 - 3 ở phường Bình Chiểu.

Đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đến nay vẫn chưa được trải nhựa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đến nay vẫn chưa được trải nhựa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiệm kỳ qua, dù quận đưa vào sử dụng trên 250 hạng mục trong đó có chương trình nhựa hóa các tuyến đường liên khu phố, liên tổ, nhưng theo đánh giá chung, hạ tầng kỹ thuật của quận còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, quá tải và không đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số công trình, dự án lớn của Trung ương và TP triển khai trên địa bàn còn chậm do vướng đền bù giải tỏa, do chính sách bồi thường có nhiều thay đổi trong khi dự án dở dang không được “hồi tố” như khu Đại học Quốc gia, nút giao thông Gò Dưa. Việc xây dựng các khu tái định cư còn chậm và quận dự tính phải mua nền đất và chung cư bên ngoài mới đảm bảo được công tác tái định cư cho các dự án cấp bách.

Việc thi công hệ thống thoát nước cũng có hoàn cảnh tương tự, nhiều tuyến đường được đầu tư hệ thống thoát nước chính như đường Hoàng Diệu, Kha Vạn Cân; xây dựng kè bê tông các tuyến mương suối Bình Thọ, Ngọc Thủy nhưng do đầu tư thiếu đồng bộ nên công trình phát huy hiệu quả không cao. Mới qua trận mưa đầu mùa, dù hệ thống thoát nước trên đường Kha Vạn Cân đã hoàn thành nhưng khu vực chợ Thủ Đức vẫn còn bị ngập sâu. Các dự án quản lý thoát nước và ô nhiễm như nạo vét và bờ kè thượng nguồn rạch Cầu Ngang, kênh tiêu Ba Bò, Suối Nhum vẫn chưa thực hiện được hoặc đang xây dựng dở dang.

Nhiệm kỳ qua, mặc dù quận phát triển mới một số tuyến nước máy ở các trục đường Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân được dùng nước máy chỉ đạt 80,6%. Đây là tỷ lệ ở đầu nhiệm kỳ. Nếu tính cả số dân tăng trong nhiệm kỳ thì tỷ lệ dân được dùng nước máy chỉ còn 74,9%. Tuy đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra nhưng nói theo cách nói của lãnh đạo quận thì chính quyền vẫn còn nợ dân một lời hứa!

Cần bước đột phá

Rút ra bài học trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức đúc kết: “Phải thừa nhận quận còn thiếu đột phá ở những ngành trọng yếu, dự báo tình hình chưa đúng, chưa kịp thời nên còn lúng túng với những khó khăn trong thực tiễn, đồng thời thiếu tập trung triển khai tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu tái định cư cho các công trình đã giải tỏa”.

Phó Bí thư Quận ủy Thủ Đức Ngô Thành Lợi đặt vấn đề: Để Thủ Đức có bước đột phá trong thời gian tới, quận kiến nghị TP quan tâm đầu tư dự án nhánh các đường giao thông trục chính (nối xa lộ Hà Nội đến quốc lộ 1A, từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Gò Dưa). Đây là tuyến đường trục xuyên tâm, tạo điều kiện phát triển các khu vực bên trong của quận, đồng thời giải quyết đồng bộ hệ thống giao thông trục của TP, cùng với tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Linh Xuân.

Ngoài ra cần hoàn chỉnh đê bao ven sông Sài Gòn theo hướng có đầu tư hệ thống đường giao thông dọc sông, từng bước nối kết với các đường giao thông trong dự án xây dựng khu dân cư đô thị ven sông Sài Gòn. Riêng về vấn đề nước sạch, quận kiến nghị TP chỉ đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phát triển đầu tư mạng lưới cấp 2 và cấp 3 cho 4 phường chưa có nước máy là Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu, Tam Bình, Linh Xuân và một số khu vực còn lại. Đó là chưa kể, quận Thủ Đức có trách nhiệm rất lớn cùng với các ngành chức năng và doanh nghiệp ở TPHCM giải quyết chỗ ở cho gần 100.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (chiếm 40% lực lượng công nhân ở TPHCM), hơn 50.000 sinh viên đại học (chiếm hơn 25% sinh viên của TPHCM).

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục