Trải qua bao thăng trầm lịch sử với bề dày 100 năm tuổi, Trường vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TPHCM đã ghi những dấu son trên con đường nghệ thuật; trở thành chiếc nôi mỹ thuật của phương Nam và cả nước, đào luyện nên nhiều thế hệ nghệ sĩ và có nhiều đóng góp rất quan trọng cho ngành nghệ thuật nước nhà.
Một thế kỷ thăng trầm
Đầu thế kỷ 20 tại miền Nam, người Pháp đã liên tiếp thành lập ba ngôi trường chuyên về mỹ thuật thực hành để ứng dụng, phục vụ đời sống. Đầu tiên, năm 1901, Trường Bá nghệ ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) ra đời, tiếp đó năm 1903, Trường Nghệ thuật và kỹ nghệ Biên Hòa (Trường Mỹ nghệ Biên Hòa) được thành lập. Đến năm 1913, Trường Mỹ thuật Gia Định ra đời - người ta vẫn gọi nó bằng cái tên quen thuộc là Trường vẽ Gia Định - tiền thân của Đại học Mỹ thuật TPHCM ngày nay.
Từ khi thành lập, Trường vẽ Gia Định đã không ngừng phát triển. Đến năm 1917, Trường vẽ Gia Định là trường mỹ thuật duy nhất được xếp vào loại “trường trung học đệ nhất cấp” và trở thành hội viên của Hiệp hội Trung ương trang trí mỹ thuật Paris. Đây là cột mốc quan trọng vì song song với việc kế thừa tinh hoa nghệ thuật dân tộc, lần đầu tiên học sinh có cơ hội tiếp cận nền nghệ thuật hiện đại của Pháp, tiếp xúc với những kỹ thuật tiến bộ về hội họa của phương Tây. Nhà trường bắt đầu đào tạo có hệ thống, có phương pháp khoa học thay cho cách đào tạo truyền nghề…
Sau đó, Trường vẽ Gia Định lần lượt được đổi tên thành Trường mỹ nghệ thực hành Gia Định (1940), Trường Quốc gia trang trí mỹ thuật Gia Định (1971), thực hiện đào tạo song song 2 cấp: cấp 1 (học sinh), cấp 2 (sinh viên). Năm 1954, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được thành lập, góp phần cùng trường vẽ Gia Định tạo ra bộ mặt mỹ thuật mới, phát triển ngày càng lớn mạnh tại miền Nam. Gần trăm năm song hành cùng những thăng trầm của lịch sử đất nước, đã có lúc trường ngưng hoạt động nhưng cuối cùng, dòng chảy lịch sử ngôi trường đã tiếp nhận dòng chảy lịch sử của đất nước để liên tục đào luyện nên nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhà điêu khắc tài năng, đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà cũng như trong công tác đào tạo. Những năm tháng chiến tranh, không ít họa sĩ yêu nước của hai trường đã “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” như Lê Văn Kỉnh, Huỳnh Văn Gấm, Diệp Minh Châu, Hoàng Tuyến, Quách Đồng, Nguyễn Hiêm, Lương Đống, Hồ Văn Lái, Nguyễn Sáng, Lê Vinh, Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Phương Đông… Dù ở lĩnh vực sáng tác hay đào tạo, các họa sĩ nghệ sĩ vẫn một lòng yêu nghề, yêu nước.
Sức bật mới từ thế hệ trẻ
Sau năm 1975, Phòng Mỹ thuật Trung ương Cục miền Nam tiếp quản cả hai trường. Từ năm 1981, đến nay, trường chính thức mang tên Đại học Mỹ thuật TPHCM và trở thành một trong hai trung tâm lớn trong hoạt động đào tạo mỹ thuật của cả nước. Quả thực, có nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ đã gắn bó tên tuổi với nhà trường: Huỳnh Đình Tựu, Lưu Đình Khải, Đỗ Đình Hiệp, Trương Văn Ý, Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Long, Lê Yên, Nguyễn Văn Anh, Bùi Văn Kỉnh, Lê Thành Nhơn, Nguyễn Thị Tâm, Đào Minh Tri, Đặng Ái Việt, Phan Phương Trực, Phan Gia Hương, Lê Đàn, Trần Hữu Tri, Nguyễn Đức Ánh…
Ngoài giảng dạy chuyên môn, hoạt động nổi bật của nhà trường còn là những buổi giao lưu, gặp gỡ thầy trò qua nhiều cuộc triển lãm, giao lưu học tập cùng các họa sĩ trong nước và bạn bè quốc tế. Đây cũng là hoạt động hướng tới việc tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm của bạn bè trong khu vực và quốc tế. NGƯT-TS Trương Phi Đức, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TPHCM cho biết hàng chục cuộc triển lãm tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM với hơn 200 tác phẩm nghệ thuật, tập hợp bộ sưu tập hiếm có, được coi là cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ họa sĩ gần 100 năm, nhiều nhóm họa sĩ trong nước, triển lãm giao lưu mỹ thuật giữa giảng viên ĐH Mỹ thuật TPHCM và các nghệ sĩ Chile, họa sĩ Cuba… đã giới thiệu đến công chúng nhiều phong cách sáng tác phong phú, đa dạng.
Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM đang bước vào tương lai với một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và khát vọng vươn xa. Trường cũng là địa chỉ uy tín và chất lượng trong đào tạo các ngành hiện đại, nhất là lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Không chỉ đào tạo những người thợ trang trí nhà cửa, dinh thự, làm đẹp cho cuộc sống, ngày nay mái trường này là nơi để thế hệ trẻ học tập cách khắc họa chân dung của chính mình với hơi thở cuộc sống hiện tại và của đất nước trong kỷ nguyên mới. Gần một thế kỷ đi qua, các thế hệ thầy cô và học sinh nơi đây đã nỗ lực hết mình để vun đắp cho ngôi trường ngày một phát triển. Chính sự đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà, nhà trường đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và nhà nước trao tặng.
MINH AN