
Nếu như trước đây, truyền hình thực tế, đặc biệt là các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc đẩy mạnh việc tìm kiếm sự độc đáo, cá tính, màu sắc riêng của thí sinh, người chơi thì ngược lại bây giờ, điều mà người ta tìm kiếm là những gì sao chép, càng giống một ngôi sao, một tên tuổi nổi tiếng càng tốt, càng được tán thưởng.
Hấp dẫn vì mới lạ
Chương trình Gương mặt thân quen bất ngờ xuất hiện và thu hút khán giả ngay từ số phát sóng đầu tiên cách đây hai năm. Lúc ấy, chương trình như một “cơn chấn động” trong showbiz Việt. Trong cuộc thi, các thí sinh không phải vò đầu bứt tóc xem mình sẽ trình diễn sao cho thật hay, độc đáo, ấn tượng mà càng giả dạng về trang phục, phong thái biểu diễn, giọng hát, giống một ngôi sao nào đó càng nhiều càng tốt. Cũng từ Gương mặt thân quen, một số ca sĩ và ngôi sao giải trí nổi lên như cồn, đắt show như những ngôi sao hạng A khác. Đó là Khởi My, Hoài Lâm, Kyo York, Khương Ngọc… Có một thực tế là sau khi rời cuộc thi, một số thí sinh tách khỏi sự bắt chước theo format (định dạng) chương trình mà trở lại với giọng hát thật của mình nên không tránh khỏi những đánh giá không cao từ khán giả sau những “hào quang” từ cuộc thi bắt chước một ngôi sao nào đó.

Bé Bảo Ngọc gây “sốt” trong Gương mặt thân quen vì giả dạng giống ca sĩ Thanh Lam
Chương trình Gương mặt thân quen hút khách đến nỗi, từ mùa thứ 2, có thêm một phiên bản nhí, với các em thiếu nhi giả dạng ngôi sao người lớn. Dẫu biết rằng nhiều khi các em nhỏ đóng giả cũng chẳng giống ai, nhưng không sao, nhìn các em hóa trang, tập làm người lớn cũng ngồ ngộ và như vậy cũng đủ cho người xem cảm thấy thích thú. Mới đây, một chương trình khác cũng vừa được ra mắt khán giả trên kênh truyền hình Vĩnh Long - Ca sĩ giấu mặt, với mục đích tìm kiếm người chiến thắng là người hát giống thần tượng nhất sau hàng loạt thử thách. Chương trình này đang gây được sự chú ý, tò mò. Quang Lê và Phương Thanh là hai ngôi sao được đưa lên bàn cân đầu tiên để ban tổ chức đi tìm… bản sao!
Không liên quan đến truyền hình thực tế nhưng gần đây, dư luận lùm xùm việc hai ca sĩ đàn anh tranh giành quyết liệt (dẫn đến việc có những lời lẽ không hay về nhau) một giọng ca đường phố hành nghề bán kẹo kéo chỉ vì anh này có giọng hát giống một ca sĩ hải ngoại. Có lẽ thị trường âm nhạc bây giờ đã khan hiếm tài năng độc đáo, khác biệt đến nỗi người ta chỉ chăm bẵm đi tìm những gì được cho là giông giống ngôi sao.
Liệu có “bạo phát bạo tàn”?
Lật lại những cuộc thi hát “núp bóng” truyền hình thực tế đã qua, có muôn vàn lời tung hô dành cho những “bản sao” được chỉ đích danh như Hương Tràm giống hệt huấn luyện viên Thu Minh của mình tại Giọng hát Việt mùa đầu tiên; Giang Hồng Ngọc y chang phong cách của giám khảo Hồ Ngọc Hà tại Nhân tố bí ẩn 2014; Lê Minh Trung của Solo cùng bolero có giọng hát giống đến 90% ca sĩ Duy Khánh… Đặc biệt, có trường hợp như thí sinh Bảo Uyên của Giọng hát Việt 2015 được gọi là bản sao của ca sĩ Mỹ Tâm bởi cách xuất hiện, phong thái của cô được ban tổ chức dàn dựng không khác huấn luyện viên của mình, từ mái tóc ngang vai, chiếc áo dài trắng… Bảo Uyên cũng đi thi năm 16 tuổi và cũng chọn hát bài của Mỹ Tâm trong một số vòng thi. Ngay từ tiết mục đầu tiên, không cần khán giả ngờ ngợ, những người thực hiện đã “điểm mặt chỉ tên”, “mớm mồi” cho cái sự giông giống này thẳng trên sóng truyền hình.

Bảo Uyên được tạo dựng hình ảnh thành “bản sao Mỹ Tâm” trong Giọng hát Việt 2015
Mặc dù mục đích ban đầu là tìm kiếm những giọng ca hay, song Giọng hát Việt và Nhân tố bí ẩn không tạo ra những ca sĩ đặc biệt mà hình như đang cố tình đi theo chiều hướng để thí sinh càng giống với người huấn luyện (kiêm giám khảo) của mình càng tốt. Bởi lẽ đó là con đường ngắn nhất để đến thành công khi một chương trình truyền hình thực tế hát hò cũng chỉ kéo dài ba, bốn tháng là cùng. Sự khác biệt, độc đáo đòi hỏi cần phải có thời gian để công chúng hấp thu, quen dần, còn những cái giông giống dễ được người ta quen mặt điểm tên và chấp nhận một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc gì cũng có cái giá của nó, dễ nhớ thì cũng lại dễ quên. Công chúng bây giờ quên mặt những ca sĩ mới bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế này cũng… nhanh như điện xẹt, tương tự cách mà người xem biết đến họ.
Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả phiên bản quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, các quán quân X-Factor, The Voice… cũng chưa có ai trở thành người nổi tiếng ngay khi cuộc thi kết thúc, nói gì đến chuyện làm ngôi sao! Hay như với Hương Tràm, quán quân Giọng hát Việt 2013, cô vùng vẫy bằng mọi thứ scandal, hình ảnh xấu xí, hát nhạc thị trường dễ nghe... dường như cũng chỉ là một cách khẳng định mình khác với hình ảnh bản sao Thu Minh trong cuộc thi.
Người xem không mặn mà
Truyền hình thực tế nói chung và những cuộc thi hát có format quốc tế (đến Việt Nam rải rác từ những năm 2008 và thực sự bùng nổ vào năm 2012) đến nay, dường như đang đi vào lối mòn. Không còn là món ăn lạ nữa, mà dần khiến người xem có phần chán nản khi có quá nhiều chương trình phát sóng dày đặc, nhất là phát cùng thời điểm vào những ngày cuối tuần. Các nhà sản xuất không chỉ mua phiên bản Mỹ mà còn săn lùng các phiên bản châu Âu, La tinh, Hàn Quốc… để mang về thực hiện. Việc cạnh tranh sóng không chỉ làm phân tán đối tượng khán giả, mà còn khiến người xem bội thực, nhất là những chương trình nặng về hình thức và nhạt nhẽo về nội dung. Khi sự độc đáo, riêng biệt không còn được đề cao, tìm kiếm; trong khi nhà sản xuất, những người thực hiện chăm chăm vào việc tìm bản sao thì chuyện người xem không còn mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Khi đặt ra tiêu chí đi tìm bản sao, có lẽ cũng đồng nghĩa nhà sản xuất chấp nhận “ăn xổi ở thì”, “đánh nhanh rút gọn”, vì thế chương trình càng về những mùa sau càng nhạt. Những thí sinh cũng phải chấp nhận một thực tế mình chỉ mua vui cho khán giả trong thời gian chương trình phát sóng. Khi chương trình kết thúc cũng là lúc tiếng vang không còn, mọi thứ sẽ trở về con số 0, dư âm chiến thắng cũng khó kéo dài.
Sau cơn sốt năm 2012, truyền hình thực tế bây trở về đúng chức năng ban đầu của nó, giải trí một cách đơn thuần, không còn khả năng gây tranh luận hay tạo cơn sốt phủ sóng khắp các mặt báo dẫu đủ các trò scandal được vô tình hay hữu ý tạo ra. Cũng đã đến lúc khán giả bật truyền hình xem giải trí hờ hững, xong tắt ti vi đi ngủ.
| |
Khánh Thư