“Maxk Nguyễn”, “Saigon Emoji”, và “đạo ý tưởng” là chuyện “hot” xôn xao trong giới sáng tạo trẻ những ngày gần đây.
Maxk Nguyễn, SN 1991, tên thật là Nguyễn Mạnh Khôi, từng được biết đến với danh hiệu Quán quân Vietnam Young Lions 2016.
Maxk Nguyễn gây ấn tượng qua nhiều dự án artworks như "Saigon Emoji", "Sài Gòn 3 mét vuông", "Sài Gòn sau vai", "Vịt lộn vịt dữa cút lộn". Nay nhiều người bất ngờ khi phát hiện hàng loạt sản phẩm của anh đạo ý tưởng của các nghệ sĩ quốc tế.
>> Những hình ảnh gắn mác Maxk Nguyễn từng gây phấn khích đối với giới trẻ và tạo viral rộng khắp trên mạng xã hội thời gian vừa qua:
* Sự ngẫu hứng bất chợt từ một chiếc bảng rao hàng rong “Vịt lộn vịt dữa cút lộn”, Maxk Nguyễn đã tạo ra một trào lưu rất "hot" trong cộng đồng mạng.
* Tập hợp những sản phẩm mỹ thuật về sự ngẫu hứng mỗi ngày ở thành phố náo nhiệt này, "Saigon Emoji" là một dự án gây ấn tượng của Maxk Nguyễn. Theo anh mỗi khi có bất cứ một ý tưởng gì về ngẫu hứng Sài Gòn anh thể hiện ngay, như một cách rèn luyện sự sáng tạo.
* “Sài Gòn 3 mét vuông” là sự kết hợp giữa illustration và typography. Triển lãm “Sài Gòn 3 mét vuông” diễn ra vào tháng 7 vừa qua, thu hút sự quan tâm và yêu thích của khá nhiều bạn trẻ.
* "Sài Gòn sau vai" cũng là một trong những dự án gây chú ý có sự tham gia của Maxk Nguyễn
Tuy nhiên những lùm xùm về chuyện đạo nhái ý tưởng gần đây của Maxk Nguyễn đã gây “bão dư luận”.
Chuyện bắt đầu từ bịch trà sữa. Ban đầu, designer Hiếu Châu phát hiện sự giống nhau về một ý tưởng của Maxk Nguyễn trong dự án "Saigon Emoji" với nghệ sĩ người Anh Alessi.
Hình ảnh bịch trà sữa của Maxk Nguyễn (trái) na ná tác phẩm của nghệ sĩ Alessi (phải) Rồi đến hình ảnh chiếc xe lô thồ hàng của nghệ sĩ Francis Curran được đưa vào nguyên si trong dự án "Saigon Emoji" của Maxk Nguyễn.
Hình ảnh này của NTK Francis Curran được dùng trong "Saigon Emoji" Và nhiều artworks khác cũng bị phát hiện trùng lắp với các ý tưởng trước đó:
Bên phải là các thiết kế của dự án "Saigon Emoji", không khác với hình ảnh gốc của các NTK thế giới (bên trái) Maxk Nguyễn đã lên tiếng sau đó, rằng có thể là ý tưởng trùng ý tưởng, và sự giống nhau là do anh dùng ảnh từ Stock - kho hình ảnh miễn phí trên internet. Tuy nhiên, cách trả lời này không được cộng đồng sáng tạo chấp nhận, vì cho rằng đây là cách trả lời lấp liếm, các hình ảnh lần lượt được các designer dẫn nguồn là hình gốc từ các tạp chí, nghệ sĩ thế giới. Các sản phẩm bị trùng ý tưởng của "Saigon Emoji" ngay sau đó lần lượt được rút xuống.
Bên cạnh làn sóng phản đối, có không ít người lên tiếng bênh vực và cảm thông cho Maxk Nguyễn, trong đó có facebooker Thuy Minh (tác giả Thùy Minh). “Với mình, quan điểm "đạo nhái" không còn giá trị gì quá nhiều trong thời điểm nội dung sáng tạo được sản xuất khủng khiếp như hiện nay và có thể tìm kiếm trên một nền tảng duy nhất là internet. Việc giống nhau sẽ diễn ra hàng ngày, hàng giây và vì thế News Curation trở thành xu hướng mới nhất trong việc làm nội dung”. Và mới đây nhất chị viết trên trang các nhân của mình: “Maxk ơi vững lòng!!!”.
Bên trái là bìa cuốn sách của Thùy Minh do Hiếu Châu (người đầu tiên đăng đàn công khai vụ đạo nhái của Maxk Nguyễn) thiết kế. Bên phải là bìa cuốn sách của Thùy Minh do Maxk Nguyễn thiết kế. Ảnh chụp trang facebook Thuy Minh Tuy nhiên, facebooker Duc. Truong Huyen (nghệ sĩ Trương Huyền Đức) đã ngay lập tức phản pháo những ai bênh vực cho Maxk Nguyễn: “Cả ngàn năm lịch sử nghệ thuật của hội họa, minh họa, fineart, graphic design, điện ảnh, kiến trúc... cũng không bằng "News Curator", cắt ghép tác phẩm của người khác giờ hóa ra là style và cần được công nhận và tôn vinh”.
Gần đây nhất, designer Trần Hữu Danh, trưởng nhóm 8REBORN, tuy không liên quan đến chuyện đạo ý tưởng mà chỉ hợp tác thực hiện dự án “Sài Gòn sau vai” cùng Maxk nhưng cũng đã chủ động thay mặt đàn em nói lời xin lỗi trên trang cá nhân của anh: “Mình là trưởng nhóm 8REBORN. Nhóm mình có hợp tác với Maxk với dự án tên "Sài Gòn sau vai", bọn mình làm việc với tư cách là graphic designer, tụi mình cũng có ngồi lại với nhau để lên ý tưởng cho dự án này nhưng không biết đằng sau nó đã có 1 dự án tương tự, cho tới ngày hôm qua mình nhận được bức ảnh này, mình hết sức bất ngờ. Cũng xin cảm ơn đàn anh đã tìm được nguồn của artwork. Lời cuối, mình hy vọng chuyện này sẽ sớm chấm dứt và đây cũng sẽ là bài học để mọi người lưu ý hơn. Với mình thì mình thấy xấu hổ về chuyện này, thay mặt team mình xin lỗi công đồng design trong nước cũng như các artist của nước ngoài. Rất xin lỗi”.
Về phần mình, Maxk Nguyễn cũng thẳng thắn gửi lời xin lỗi đến những nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia như Martine Strøm, Francis Curran/ Marcel ter Bekke, Roy Smith, Francesco Vullo… mà anh đã sử dụng, chỉnh sửa artworks. Maxk đã xin phép các tác giả chia sẻ và sử dụng phi thương mại các artworks trong phạm vi dự án cá nhân "Saigon Emoji"; nếu không được phép chỉnh sửa anh sẽ được xóa khỏi "Saigon Emoji".
Maxk Nguyễn trải lòng và gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân “Là một người đang tham gia cộng đồng sáng tạo và trên con đường xây dựng nghề nghiệp thông qua sự sáng tạo, mình hoàn toàn ý thức việc sử dụng hoặc cắt ghép artwork của artist khác là một việc vô cùng tai hại. Điều đó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến những cá nhân có liên quan đến sản phẩm một khi nó đã từng là giá trị tinh thần không cân đong đếm được. Đây không phải là lời biện minh. Đây cũng không phải thư cứu cánh. Đây là một bài học lớn cho mình về sau và thật lòng, mình mình cám ơn những góp ý của các anh, các chị và các bạn trong ngành”, Maxk Nguyễn chia sẻ.
Và Maxk Nguyễn, từng có những sản phẩm sáng tạo ấn tượng, là một designer được đông đảo bạn trẻ tin tưởng và mến mộ, vì vậy hy vọng “bài học này” không lặp lại.
Động thái mới nhất của cộng đồng sáng tạo hiện cũng dường như muốn khép lại vụ lùm xùm này, và có bàn luận chăng thì họ cũng chỉ muốn xoay quanh các kiến thức chuyên môn.
LÂM AN