Từ chiến khu đến chiến khu - Bài 1: Nghĩa tình An Phú Đông

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, quân dân các tỉnh thành Đông Nam bộ cùng với cả nước đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp công cùng cả dân tộc đi tới ngày toàn thắng. Và trong cuộc trường chinh ấy, không thể không kể đến sự hy sinh, mất mát của người dân ở các căn cứ - chiến khu đã đồng cam cộng khổ, chịu cảnh đói cơm lạt muối, một lòng son sắt theo Đảng, theo cách mạng. 
Giờ đây trong thời bình, truyền thống quý báu ấy lại được thế hệ đảng viên trẻ hôm nay phát huy để làm nên sự đổi thay ở các vùng quê nghèo. Cái đói, cái nghèo giờ đã lùi xa để nhường chỗ cho những thôn làng trù phú, khu phố khang trang, những nhà máy công nghệ cao thu hút nhiều công ty hàng đầu thế giới tìm đến đầu tư. Cùng với đó là những cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc để hướng đến phát triển bền vững cả một vùng chiến khu Đ rộng lớn.

An Phú Đông nằm ở Đông Bắc TPHCM, ven sông Sài Gòn với vườn cây, đồng ruộng, sông rạch chằng chịt. Năm 1944, vùng này thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định; sau giải phóng miền Nam, An Phú Đông là một xã của huyện Hóc Môn; nay là 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân của quận 12 và đều được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nơi đây cùng với xã Bà Điểm tạo nên hành lang hoạt động của các bậc cách mạng tiền bối của Đảng. Và khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, An Phú Đông đã trở thành chiến khu - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân dân Sài Gòn - Gia Định. Giờ đây, An Phú Đông đang đổi thay từng ngày.

An Phú Đông xa mà gần

Giữa không khí náo nức của đợt kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi về lại An Phú Đông, bỏ lại sau lưng những phố xá tấp nập, ồn ào của khu trung tâm thành phố. Đi hết con đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) là đến bến đò An Phú Đông. Vẫn cảnh người và xe máy hối hả qua phà trong vòng quay của cuộc sống phố thị nhưng trên khuôn mặt của từng người dân đã ánh lên niềm vui bởi sự hiện diện của cây cầu thép vững chãi màu xanh xám kiêu hãnh đang bắc qua sông Vàm Thuật ở bên cạnh.

Trên con đường Vườn Lài - trục giao thông chính chạy qua các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân (quận 12) thuộc chiến khu An Phú Đông xưa, nhà cửa mọc lên san sát, ô tô tải nhỏ chở hàng và xe máy chạy ngược chạy xuôi như con thoi; các dịch vụ như quán ăn, cà phê sân vườn, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng vật liệu xây dựng… hiện diện khắp nơi, có cả phòng giao dịch của ngân hàng thương mại để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Đi một đoạn lại thấy những biệt thự bề thế. Nhiều con đường ngang cắt với đường Vườn Lài cách đây 5-7 năm chỉ là bê tông xi măng, nhưng giờ đây đã được trải nhựa như minh chứng cho sự đổi thay trên quê hương anh hùng.

Từ chiến khu đến chiến khu - Bài 1: Nghĩa tình An Phú Đông ảnh 1 Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ - chiến khu An Phú Đông xưa ở phường Thạnh Lộc, quận 12

Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông Phan Văn Nam không giấu vẻ vui mừng: “Các anh thấy đấy, cầu đang xây nên đất ở các trục đường chính tăng giá ầm ầm, nhất là các lô đất diện tích lớn ở mặt tiền đang được nhiều ngân hàng lùng mua, cầu làm xong là sẽ có thêm nhiều phòng giao dịch ngân hàng nữa mọc lên”. Hỏi ra thì một mét vuông đất thổ cư ở mặt tiền đường Vườn Lài chỗ cao nhất hiện lên tới gần 100 triệu đồng - một cái giá mà cách đây 5 năm không ai nghĩ tới.

Nghĩa tình chiến khu xưa

Chiến tranh kết thúc, chiến khu An Phú Đông có 783 gia đình có công cách mạng, trong đó nhiều nhất là An Phú Đông với 620 gia đình. Cũng giống như các địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, An Phú Đông từ lúc còn là xã của huyện Hóc Môn cũng không ngoại lệ khi phải vật vã vượt qua đói nghèo đi lên, xây dựng lại quê hương. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách luôn được Đảng ủy và các đoàn thể địa phương đặt lên hàng đầu bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và truyền thống đạo đức của Đảng với người dân các vùng chiến khu đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

Cây cầu thép bắc qua sông Vàm Thuật nối phường 5 (quận Gò Vấp) với phường An Phú Đông khởi công ngày 2-2-2020, sẽ hoàn thành vào cuối năm nay giúp thỏa mãn ước mơ của người dân vùng chiến khu xưa. Khi cây cầu được đưa vào sử dụng, những căn nhà mới sẽ tiếp tục mọc lên trên các trục đường, giúp giảm bớt khoảng cách và thu nhập so với người dân các quận trung tâm, góp phần vào quá trình chuyển dịch dân cư của TPHCM.

Ông Phan Văn Nam chia sẻ, từ hai nhiệm kỳ trước, Đảng ủy đã phân công từng chi bộ có trách nhiệm lo cho các hộ nghèo trong diện chính sách với mức phổ biến 500.000-700.000 đồng/tháng do các đảng viên đóng góp. Vào dịp lễ, Tết hay dịp 27-7 ngoài quà theo tiêu chuẩn của trung ương, thành phố, quận thì phường còn đứng ra vận động thêm từ 300.000-350.000 đồng/suất quà để tặng các đối tượng chính sách. Phường cũng chủ động khảo sát tình hình đời sống để kịp thời có chính sách hỗ trợ bằng tiền hoặc sửa chữa nhà ở cho thân nhân liệt sĩ và gia đình chính sách gặp khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, tổng số tiền chăm lo cho các gia đình chính sách lên tới 3,4 tỷ đồng và đến nay, phường không còn hộ gia đình chính sách, gia đình có công thuộc diện hộ nghèo.

Không chỉ quan tâm bằng vật chất, động viên tinh thần mà con em của gia đình chính sách còn được quan tâm về việc làm, học thêm như trường hợp anh Nguyễn Hải Phương. Anh có bà nội được truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2015 (có chồng và con gái là liệt sĩ), từ năm 1998 anh đã được UBND phường hợp đồng ủy nhiệm làm công việc thu thuế, được tạo điều kiện học đại học hệ chính quy ở trường Đại học Công nghệ Bình Dương (tốt nghiệp năm 2006), sau đó lại được cho học tiếp Đại học Luật TPHCM (văn bằng 2). Ý thức được truyền thống gia đình anh đã phấn đấu vào Đảng (năm 2013) và hiện là Đảng ủy viên của xã chuyên trách công tác tổ chức.

Họp mặt truyền thống chiến khu An Phú Đông được quận 12 tổ chức dịp đầu Xuân luôn có sự góp mặt của những cán bộ chiến sĩ, đồng bào từng sống và chiến đấu tại chiến khu. Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến An Phú Đông thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn vào dịp 22-12, 27-7, 30-4. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền bối cách mạng, anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã đóng góp công sức, xương máu cho sự nghiệp cách mạng.

Một thời hào hùng

Chúng tôi đến khu di tích Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách UBND phường khoảng 600m. 

Có rất nhiều hình ảnh, hiện vật trưng bày ở đây theo từng chủ đề gắn với quá trình hình thành, phát triển của chiến khu An Phú Đông. Ấn tượng nhất là những ngọn tầm vông, những ngọn giáo để trong tủ kính, nổi bật trên nền vải đỏ gợi nhớ những ngày đầu kháng chiến của quân dân Nam bộ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược cuối năm 1945, với vũ khí thô sơ vẫn anh dũng chiến đấu cản bước quân xâm lăng.

Cùng với đó là những tấm hình đen trắng chụp lực lượng bộ đội, du kích với vũ khí thô sơ tập hợp chỉnh tề dưới rừng cau đỏ ở An Phú Đông những ngày đầu lập chiến khu, đáp lại lời hiệu triệu cứu quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chúng tôi lặng người khi đọc con số liệt sĩ đã ngã xuống ở chiến khu An Phú Đông. 516 người con từ mọi miền của Tổ quốc đã kiên cường chiến đấu, hy sinh anh dũng trên mảnh đất An Phú Đông, trong đó có 85 người con của quê hương An Phú Đông.

Tin cùng chuyên mục