Từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ - Mát lòng người mộ điệu

Chương trình “Từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ” vừa diễn ra, do UBND quận 6 tổ chức với sự tham gia của GS-TS Trần Văn Khê và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của TP, đã mang đến một bữa tiệc tinh thần ngon miệng cho đông đảo người dân và các bạn trẻ.
Từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ - Mát lòng người mộ điệu

Chương trình “Từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ” vừa diễn ra, do UBND quận 6 tổ chức với sự tham gia của GS-TS Trần Văn Khê và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của TP, đã mang đến một bữa tiệc tinh thần ngon miệng cho đông đảo người dân và các bạn trẻ.

  • Trân trọng di sản cha ông

Với những người dân Nam bộ, đờn ca tài tử là nghệ thuật truyền thống cũng là một thú vui tao nhã, một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời và không thể thiếu. Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, từ cội nguồn nhạc lễ và nhạc cung đình Huế, gia sản đờn ca tài tử ngày càng đồ sộ, phong phú, biểu đạt được tâm lý, tình cảm và đời sống của con người Nam bộ. Tiếp nối, đứa con tinh thần cải lương Nam bộ ra đời và nhanh chóng phát triển vượt bậc.

Cải lương Nam bộ không lâu sau đó đã có mặt khắp nơi, thịnh hành từ góc phố nơi Sài Gòn phồn hoa đến từng bờ tre, góc ruộng ở nông thôn. Cải lương phát triển mạnh mẽ đến mức, trẻ con 4 - 5 tuổi chưa biết chữ đã biết tuồng cải lương, biết ca vọng cổ và phần lớn người dân miền Tây Nam bộ ít nhiều ai cũng có năm ba câu vọng cổ làm vốn lận lưng.

GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ: “Miền Nam là cái nôi, là không gian để nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương phát triển. Và rõ ràng nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống cũng mang đậm nét đặc trưng văn hóa của con người và vùng đất nơi này: dân gian và bác học, phóng khoáng và thân thiện đồng thời thể hiện sự chân thành và nghĩa khí của người phương Nam”.

Một tiết mục tại buổi giao lưu.

Một tiết mục tại buổi giao lưu.

Phần đầu chương trình, nghệ sĩ Hồng Nga với bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Không ít khán giả rưng rưng khi nghe nữ nghệ sĩ lão thành ca bài vọng cổ Tình mẹ (tác giả Phạm Văn Phú).

Chị Lê Thị Ngàn ngụ ở quận 6 cùng gia đình dự buổi giao lưu, cho biết: “Tôi nghe có chương trình này mấy ngày qua nên thu xếp công việc dẫn má tôi tới đây thật sớm để coi cho được. Mấy hôm bà cụ chỉ thấy thầy Khê trên truyền hình không hà, hôm nay mới được nhìn tận mặt ông nên bà rất vui”.

  • Trách nhiệm phải bảo tồn

Quả thật đã lâu, các nghệ sĩ mới lại có dịp đắm mình trong không khí gần gũi thân tình và hòa mình cùng khán giả như thế. Có lẽ cũng nhờ không khí ấm áp, khán giả trân trọng mà các nghệ sĩ đã ca diễn bằng cả tấm lòng. NSƯT Thanh Tuấn không phụ lòng khán giả, ca 2 bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà và Nhớ Nha Trang.

Bất ngờ nhất có lẽ là phần xuất hiện của ca sĩ Thanh Thúy. Tự nhận mình là người ngoại đạo với đờn ca tài tử và cải lương, tuy nhiên “là dân Nam bộ nên máu mê cải lương đã ngấm trong tôi từ thuở nhỏ. Hôm nay, tôi xin góp với bà con bài ca cổ Hành trình trên đất phù sa. Lỡ có ca không được “mùi” hay rớt nhịp, cũng xin bà con bỏ qua cho”, ca sĩ Thanh Thúy bộc bạch. Nói là vậy, nhưng cứ nghe cái lối ca chân phương, chắc chữ của chị thì biết, quả tình là máu cải lương, vọng cổ dường như đã sẵn có ở người dân Nam bộ tự bao đời. Những tràng pháo tay không dứt khiến Thanh Thúy không thể rời sân khấu…

Tham gia giao lưu, các bạn trẻ trao đổi thẳng thắn với GS-TS Trần Văn Khê những vấn đề nóng hiện nay với đờn ca tài tử và cải lương như giải pháp để vực dậy nghệ thuật cải lương; so với trước đờn ca tài tử hiện đã phát triển hơn nhưng có nên lạm dụng đờn ca tài tử để phát triển kinh tế, du lịch? Hay như bạn trẻ Trần Văn Thuận băn khoăn khi bày tỏ: “đến nhiều quán ăn, quán nhậu thấy đờn ca tài tử, đó có phải là phát triển?”.

GS-TS Trần Văn Khê tâm tình: “Cảm ơn các bạn đã trân trọng âm nhạc truyền thống của dân tộc, trân trọng đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ. Dù có được UNESCO công nhận hay chưa, chúng ta vẫn có trách nhiệm phải bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống, trân trọng di sản của cha ông”. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục