Qua 1 năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TPHCM, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chưa có sự chuyển biến đáng kể. Việc TPHCM tiếp tục chọn năm 2009 để thực hiện chủ đề này cho thấy sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Đảng bộ đến chính quyền và nhân dân TP. Có nhận định cho rằng, quyết định này thể hiện rõ tầm nhìn xa, bản lĩnh và sự kiên định của lãnh đạo TP.
Tuy nhiên, để cuộc vận động đạt kết quả rõ nét hơn cần phải đánh giá, nhìn nhận sát sườn những hạn chế trong cách làm thời gian qua để có những thay đổi. Rõ ràng, ngay từ kế hoạch phát động, TP chưa đánh giá được toàn diện thực trạng tình hình đời sống đô thị cũng như chưa dự đoán hết những khó khăn khách quan khiến những biện pháp đề ra chưa khả thi. Chưa kể, nhiều mục tiêu, yêu cầu ở một số lĩnh vực còn chung chung, chỉ định tính, không định lượng làm cho cơ sở lúng túng khi triển khai thực hiện. Bằng chứng, TP yêu cầu các quận – huyện xây dựng tuyến đường điểm, tuyến đường kiểu mẫu trong khi đó lại chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về tuyến đường này.
Ở cấp quận huyện, phường xã, thị trấn khi triển khai thực hiện đã dàn đều các nhóm nội dung, thay vì phải chủ động xác định những mục tiêu trọng tâm như hướng đến những tồn tại cụ thể trên địa bàn mình để tập trung giải quyết. Địa phương cũng chưa làm cho người dân thấy rằng đây là lợi ích thiết thực cho cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Đặc biệt, cuộc vận động lại triển khai vào thời điểm việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại TPHCM diễn ra trên diện rộng với sự hiện diện của hàng trăm “lô cốt”.
Từ thực tế trên, đòi hỏi TP phải tư duy cách làm mới với bước đi phù hợp. Đã đến lúc TP không thể giải quyết các vấn đề về văn minh đô thị một cách cảm tính mà phải thực hiện trên những kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học một cách bài bản. Cũng có lời đề nghị, TP phải cụ thể hóa đầu việc thực hiện. Trong đó, xây dựng nếp sống văn minh đô thị là phát hiện và thay đổi về những gì chưa văn minh và bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất. Trong giao tiếp ứng xử, tập nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”, biết chào hỏi dân, không xả rác, biết xếp hàng khi mua đồ, xếp hàng khi vào nhà vệ sinh công cộng. Tất cả những việc làm này phải bắt đầu từ cán bộ, công chức. Khi làm được những điều này đã tiến lên một bước văn minh. Giải quyết vấn đề này, TP không nên làm theo phong trào; nếu làm theo phong trào thì kết quả đạt được chỉ…mang tính phong trào!
Theo kết quả khảo sát, hơn 80% người dân TP đồng tình việc TPHCM chọn năm 2009 để tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy sự hưởng ứng, đồng thuận lớn từ phía người dân.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng, người dân đang mong đợi cuộc vận động này sẽ sớm mang lại kết quả mà họ có thể nhìn thấy được. Nếu hiệu quả chưa thấy được như trong suốt thời gian qua cũng đồng nghĩa với việc lòng tin của người dân ngày càng giảm dần.
Vân Anh