Tư duy… giá rẻ

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương toàn ngành nông nghiệp đã chặn đứng đà suy thoái, nâng mức tăng trưởng GDP lên 3,3%.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương toàn ngành nông nghiệp đã chặn đứng đà suy thoái, nâng mức tăng trưởng GDP lên 3,3%.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, “căn bệnh” chung của nền kinh tế vẫn dừng lại ở “tư duy giá rẻ”, cái gì cũng rẻ do chất lượng chưa ổn định; ngành nông nghiệp cần mạnh dạn xóa bỏ “tư duy” này để việc xuất khẩu nông sản chuyển qua giai đoạn mới, nâng cao giá trị gia tăng từng mặt hàng, xây dựng thương hiệu.

Trong 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên tỷ USD, có nhiều mặt hàng đứng ở tốp đầu hay gần như độc chiếm thị trường thế giới như cá tra, hoặc hồ tiêu, cà phê (Robusta), nhân điều, gạo, cao su… nhưng mới dừng lại ở sơ chế hay gia công. Tình trạng xuất khẩu cà phê nhân phải chấp nhận “bán trừ lùi” dù có thu hẹp lại vẫn còn ở mức vài chục USD/tấn; mặt hàng điều, hơn 90% là sản phẩm sơ chế (nhân điều) nên khó có thể tạo đột biến về giá trị và kim ngạch nếu chưa khai thác hết các phụ phẩm cũng như mặt hàng giá trị gia tăng. Hạt gạo Việt Nam cùng phẩm cấp vẫn thấp hơn của Thái Lan (trừ giai đoạn bán tháo gạo của Thái Lan hiện nay) do chưa có thương hiệu.

Ngay cả mặt hàng hồ tiêu, chiếm khoảng 50% lượng giao dịch toàn cầu, 4 - 5 năm nay, ngành hàng này từ nông dân đến doanh nghiệp đã có sự hợp tác điều phối sản lượng bán ra nên hạn chế tình trạng khống chế giá của nhà nhập khẩu nhưng giá hồ tiêu Việt Nam so với Ấn Độ hay những nước khu vực như Indonesia, Malaysia vẫn còn chênh lệch khá lớn trên 1.000 USD/tấn. Ngành hàng gỗ chế biến đã có bước tăng trưởng đều đặn bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng chủ yếu sản xuất theo đơn hàng cung ứng cho các nhà bán lẻ nước ngoài nên giá trị và lợi nhuận không thể cao. Ngay cả mặt hàng gần như độc chiếm thị trường giao dịch thế giới là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhưng với người tiêu dùng nước ngoài, đây vẫn là sản phẩm giá rẻ so với các loại cá da trơn khác như cá hồi Na Uy, cá tuyết Alaska… “Tư duy giá rẻ” khi hội nhập sâu càng lộ ra những hạn chế, giảm khả năng cạnh tranh. Đã đến giai đoạn cần giá trị gia tăng hơn là khối lượng, cần chất lượng và sự an toàn hơn năng suất các ngành hàng.

Xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy hải sản sau nhiều năm xoay quanh cột mốc 20 tỷ USD, năm 2014 đã đạt 30,8 tỷ USD, đó là nỗ lực lớn khi vượt qua khó khăn chung để đạt được thành công hôm nay, nhưng nhiều ngành hàng có thể nói khó có sự tăng trưởng mạnh nếu tự thân mỗi doanh nghiệp (DN), ngành hàng không mạnh dạn thay đổi tư duy. Phải biết dựa vào khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, khâu còn rất yếu của nhiều ngành hàng nông sản nói chung nhằm đi sâu vào việc khai thác giá trị gia tăng từng sản phẩm như cách mà ngành hàng điều bắt đầu đi vào chế biến sâu để có thể bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị nước ngoài.

 Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, sản phẩm gia công (OEM) chỉ có thể hưởng phần chênh lệch vài phần trăm nên giá trị rất thấp, nhưng sản phẩm do DN tự thiết kế (ODM) lợi nhuận lên đến 100% thậm chí 200%. Một khi chủ động về thiết kế sẽ giúp thế giới thay đổi cách nhìn về sản phẩm của DN Việt Nam và giúp gia tăng doanh số xuất khẩu. Hiện nay có 3% - 5% DN chế biến gỗ đi vào hướng này. Là người tiên phong trong chế biến nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, nông sản qua chế biến, có thương hiệu, giá trị gia tăng gấp 2 - 3 lần so với xuất khẩu thô hay sơ chế.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục