Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”: Người hướng dẫn “coi trời bằng vung”!

LTS:

LTS: Ngay khi khởi đăng số đầu tiên loạt bài Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, cùng trao đổi, bàn luận và trình bày giải pháp của các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý và bạn đọc.

Trong số báo này, chúng tôi xin ghi lại ý kiến trao đổi của TS Nguyễn Như Nam, Khoa Cơ khí – Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, chung quanh người hướng dẫn và trình độ nghiên cứu sinh (NCS).

Thầy và trò... đổ nhau

Đào tạo tiến sĩ (TS) không phải là đào tạo đại chúng, mà là “đào tạo tinh hoa”, bởi không phải ai cũng có thể được đào tạo thành TS. Là một người từng được mời tham gia một số hội đồng, tôi nhận thấy: Muốn nâng cao chất lượng đào tạo TS thì giải pháp bảo đảm chuẩn đầu vào của NCS và đầu ra TS là quan trọng số 1. Do đó, phải tuyển chọn người có trình độ bằng cách kiểm chứng năng lực, buộc người tham gia tuyển sinh phải có bài báo khoa học chất lượng đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Về tính phổ biến, NCS cần thiết có trình độ C tiếng Anh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, NCS có thể biết những ngoại ngữ khác thay cho tiếng Anh để có thể khai thác tài liệu phục vụ cho đề tài một cách hiệu quả. Như vậy, với những NCS có kiến thức cơ bản, cơ sở vững, biết khai thác tài liệu khoa học liên quan đến chủ đề, đề tài nhờ biết ngoại ngữ, phương pháp luận nghiên cứu khoa học, định hướng đúng về mục tiêu, nội dung tiến hành, cách thức giải quyết luận án TS, có phương tiện kỹ thuật đảm bảo độ tin cậy và chính xác nghiên cứu thì sẽ hoàn thành luận án TS có chất lượng.

Bên cạnh đó, thầy hướng dẫn khoa học cũng rất quan trọng. Để có thể “hướng dẫn khoa học”, chỉ đường đi khoa học mà NCS đang hành trình thì thầy hướng dẫn phải biết hướng đi khoa học đúng. Thầy hướng dẫn phải thật sự có trình độ, năng lực về các vấn đề khoa học liên quan đến luận án. Quan sát các NCS của Khoa Cơ khí – Công nghệ, số bảo vệ thành công luận án TS chiếm không quá 50%. Tại sao có NCS này thành công còn NCS khác lại thất bại?

Có “thầy” đổ là “tại kém quá, không nhiệt tình, đang bị hoàn cảnh… hoặc kinh phí hay trang thiết bị không có, không đảm bảo độ tin cậy”. Xin minh chứng bằng ví dụ cụ thể. Thầy chưa bao giờ “động chạm đến cái máy cày lật rạ” mà lại đóng vai người hướng dẫn khoa học về máy cày lật rạ thì đúng là “coi trời bằng vung”.

Trường hợp thứ hai “thầy hướng dẫn” đâu có bao giờ nghiên cứu về “cơ lưu chất”, chỉ được học ở cấp độ “thủy lực và cung cấp nước trong nông nghiệp”, không tự học hay theo học bồi dưỡng bổ sung kiến thức thì làm sao có thể hiểu nổi các quy luật chuyển động của các chất khí mà hướng dẫn NCS về các vấn đề này.

Hoặc là thầy hướng dẫn chỉ được học về “chuồng trại chăn nuôi” thuở còn là sinh viên mà lại hướng dẫn NCS về chuồng trại chăn nuôi thì NCS “bí lối” thì thất bại là cái chắc. Vì vậy, đề tài NCS đã bị bịt lối và không lối thoát. Còn đối với NCS thì lại đổ là “tại không có trang thiết bị, bận công tác quá, kinh phí eo hẹp… và cuối cùng là nghĩ mãi không ra”. Được cái, không bao giờ NCS nói là tại “thầy mình kém” vì biết… “tôn sư trọng đạo”.

Khi “sếp” ngồi hội đồng

Ở nước ta, bất cập trong việc đào tạo TS ai cũng thấy và cũng biết cả, nhưng không ai nói thành văn bản, chỉ “thầm thì” với nhau. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ gần đây nhất mà tôi dự (xin miễn nêu tên cụ thể). Vinh dự được mời làm phản biện cho một hội đồng cơ sở ấy thế mà một vị phó giáo sư nọ (thuộc ngành cơ khí nông nghiệp) không biết lấy đạo hàm của ln(x/R) với R là hằng, x là biến, không biết đầy đủ phương pháp quy hoạch thực nghiệm và nhiều cái sai trong khoa học khác. Vì vậy mà NCS làm đúng nhưng “bài văn” phản biện của vị hội đồng ấy lại cho là sai.

Thật hú hồn, may mà hội đồng cũng thông qua, không nêu những cái sai này vào văn bản kết luận. Đây cũng là “cái may” cho vị phó giáo sư này, chứ không thì… “!”. Tôi đã từng đọc luận án TS cùng với các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học “bị sai”. “Cái hay” của luận án này là qua mặt được tất cả các thành viên “hội đồng” hay ban biên tập. Chắc là tại trình độ, năng lực “người phản biện bài báo – đăng cả ý kiến phản biện trên tạp chí đấy” hơi có “vấn đề” mặc dù cũng có học hàm “phó giáo sư” của Việt Nam.

Một điều nữa mà tôi thường thấy là “các sếp” ngồi trong hội đồng “nhiều” quá. Có nhiều “thủ trưởng”, hội đồng khoa học nào cũng ngồi. Theo tôi, hãy để dành cho các chuyên gia thực sự am hiểu, có tư cách đạo đức khoa học tốt. Các quy định về thủ tục, tiêu chuẩn về các hội đồng, về mặt “lý thuyết hay lý luận gì đó” là đúng đắn, nghiêm túc, nhưng theo tôi vẫn còn thiếu, đó là tự bản thân các thành viên mời tham dự hãy tự xem mình có đủ năng lực hay không mà nhận lời. Đừng vì cái danh, kẻo oan cho “nghiên cứu sinh” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng

Xét cho cùng, cấp quản lý đào tạo TS có vai trò quan trọng nhất vẫn là cơ sở đào tạo – cấp trường. Để làm tốt vai trò quản lý của mình, phòng đào tạo sau đại học cần đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ với các khoa có đào tạo sau đại học và nắm chắc thông tin về các bộ môn trong toàn trường. Hiện nay, các thông tin về các bộ môn chưa được cập nhật thường xuyên.

Thêm nữa quy định là bảo vệ thử ở bộ môn, NCS phải sinh hoạt với bộ môn. Ấy thế mà khi có sinh viên cao học, NCS thực hiện các vấn đề khoa học nghiên cứu liên quan, chưa bao giờ nhà trường và khoa tham vấn. Trong điều kiện ngày nay, thường một khoa có nhiều ngành đào tạo, nên rút kinh nghiệm nên đưa các vấn đề khoa học về bộ môn, tránh hình thức hóa vai trò bộ môn.

Nâng cao chất lượng đào tạo TS nhằm mục đích nâng cao chất lượng TS được đào tạo. Theo quan điểm bản thân, tôi cho rằng có 8 giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo TS là:

1) Nâng cao chất lượng đầu vào NCS.

2) Đảm bảo trình độ, năng lực của người hướng dẫn (hoặc tập thể hướng dẫn) khoa học.

3) Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học cho người hướng dẫn và NCS.

4) Đảm bảo trình độ, năng lực, đạo đức, tư cách, trách nhiệm của các thành viên trong các hội đồng chấm và xét duyệt. Bao gồm: tuyển sinh đến hội đồng chấm chuyên đề, hội đồng cơ sở, phản biện kín và hội đồng cấp nhà nước.

5) Đảm bảo kinh phí, thời gian thực hiện luận án.

6) Hoàn thiện tổ chức nhân sự của khoa hoặc bộ môn chuyên môn.

7) Nâng cao năng lực quản lý của cơ sở đào tạo.

8) Hoàn thiện các văn bản pháp quy về đào tạo TS.

TS Nguyễn Như Nam

Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”

- Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Chất lượng, chất lượng và… không ngoài chất lượng

- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?

- Bài 2: Hội đồng du di!

- Bài 3: Tiến sĩ quan và mục tiêu… thiếu khả thi

Tin cùng chuyên mục