Tuyển sinh đại học năm 2022: Tăng tính tự chủ của các trường

Theo các chuyên gia tuyển sinh từ các trường, hiện nay chỉ có một số ĐH lớn trong số 237 trường ĐH (chưa tính các trường ĐH, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng) mới đủ khả năng để tổ chức kỳ thi riêng. 
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 của giáo dục đại học (ĐH) được Bộ GD-ĐT xác định là đẩy mạnh tự chủ, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này được minh chứng qua việc hiện nay có nhiều trường ĐH bổ sung, mở rộng quy mô tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển vào ĐH và giảm dần sự lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Liên kết tổ chức thi đánh giá năng lực

Thực hiện Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển. 

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, Bộ GD-ĐT khuyến khích trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), kiểm tra tư duy tại địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng xây dựng và tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập. 

Về phía các cơ sở giáo dục ĐH, năm 2022, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM được tổ chức tại 17 địa phương so với 7 địa phương của năm 2021. Cả hai đợt thi đều tổ chức trước kỳ thi THPT, việc xét tuyển bằng phương thức ĐGNL được hoàn thành trước khi thí sinh thi THPT. Đến nay đã có hơn 80 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh. Trong số này có 54 trường sử dụng chung hệ thống đăng ký xét tuyển. Điều này tạo thuận lợi cho thí sinh, vì chỉ cần thực hiện một lần đăng ký cho cả 54 trường. Trong khi đó, năm 2022, lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi ĐGNL trải rộng trên khắp cả nước với 16 lần thi. Hiện nay đã có 50 trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. 

Nhiều trường ĐH như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM cũng tổ chức thêm kỳ thi riêng để xét tuyển. Nhiều trường ĐH khác cũng đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Mặt khác, có những trường mạnh dạn bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới với các tiêu chí lần đầu tiên được áp dụng như hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu. Minh chứng rõ nhất là các tuyển thủ bóng đá nữ của đội tuyển quốc gia vừa đoạt vé dự World Cup 2022 được nhiều trường ĐH công bố tuyển thẳng do có thành tích quốc tế xuất sắc.  

Đổi mới là tất yếu   

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, thực hiện tự chủ ĐH theo Luật số 34, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Các kỳ thi như ĐGNL, đánh giá tư duy của một số trường hiện nay để xét tuyển ĐH là nỗ lực rất lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ theo luật định. Dù các kỳ thi này chưa thể phủ rộng hết cả nước, nhưng việc có hàng trăm trường đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển đã cho thấy uy tín của các kỳ thi này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay để xét tuyển là chưa phù hợp với các trường.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), đánh giá, trong những năm vừa qua, các phương thức tuyển sinh mới đã được đề xuất nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, đáp ứng tuyển thí sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của các trường. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng dần trở lại đúng ý nghĩa là một kỳ thi đánh giá kết thúc quá trình học THPT và cấp bằng tốt nghiệp THPT, nên kết quả thi đã không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh ĐH khi tính phân loại không cao. Trong tình hình đó, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM (từ năm 2018 đến nay) đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học tập ở bậc ĐH. Thống kê tại trường cho thấy, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng phương thức ĐGNL “nhỉnh” hơn so với phương thức dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

Cùng nhận định, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng hiện các trường tuyển sinh dựa hoàn toàn vào điểm số đã bộc lộ nhiều hạn chế. Điểm số từ một kỳ thi nên chưa thể hiện hết năng lực của thí sinh, cũng như chưa giúp cho các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh. Việc ngày càng có nhiều trường bổ sung phương thức, tiêu chí xét tuyển mới là hoàn toàn phù hợp, vì bản thân trường hiểu rõ đối tượng thí sinh nào sẽ phù hợp với đặc thù, yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo.

Theo các chuyên gia tuyển sinh từ các trường, hiện nay chỉ có một số ĐH lớn trong số 237 trường ĐH (chưa tính các trường ĐH, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng) mới đủ khả năng để tổ chức kỳ thi riêng. Việc các trường giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu ở các phương thức mới, cho thấy các trường đã ý thức được đổi mới tuyển sinh ĐH là xu thế tất yếu để tiến tới tiệm cận phương thức xét tuyển ở các nước tiên tiến. Cùng với đó, các trường mạnh dạn tự chủ trong khâu xét tuyển thí sinh bằng các tiêu chí riêng ở từng ngành nghề sẽ khắc phục được tình trạng khoảng 5%-10% sinh viên bỏ học giữa chừng khi thấy không phù hợp với ngành nghề.

Yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra cho các cơ sở đào tạo là tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. Đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Tin cùng chuyên mục