Ứng dụng khoa học, công nghệ vào bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được biết đến là một trong những sản phẩm Quốc gia góp phần trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo tại các vùng cao và sự phát triển bền vững đối với đất nước. Chính vì vậy, việc đưa ra các chiến lược nghiên cứu và phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện nay ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có tính chất quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam. 
Quảng Nam đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh
Quảng Nam đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

Bảo tồn, phát triển sâm quý

Sáng 21-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Hội nghị xoay quanh các vấn đề: nhìn nhận thực trạng phát triển; tình hình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển dược liệu; vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu; trao đổi, chia sẻ một số giải pháp công nghệ chế biến dược liệu; ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ; các giải pháp thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp, xã hội để phát triển dược liệu của vùng…

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ
Hội nghị lần này có sự tham dự của những người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách, những chuyên gia đầu ngành, những nhà nghiên cứu về dược liệu và đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực dược liệu của vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ và một số doanh nghiệp ngoài vùng để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, xác định được hướng đi phù hợp đối với sự phát triển ngành dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng.
Ứng dụng khoa học, công nghệ vào bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh ảnh 2 Cây giống cây sâm Ngọc Linh nhân giống INVITRO được Công ty Sâm Sâm (Nam Trà My, Quảng Nam) thực hiện thành công
Ứng dụng khoa học, công nghệ vào bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh ảnh 3 Cây sâm Ngọc Linh được bảo tồn bằng phương pháp nhân giống hữu tính

Sâm Ngọc Linh là cây thảo dược quý đặc hữu của Việt Nam. Trong thân rễ Sâm Ngọc Linh có chứa tới 52 thành phần hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất mới, hàm lượng saponin tổng số cao gấp 3 lần so với sâm Hàn Quốc. Theo các nghiên cứu, về mặt dược lý, sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng tương tự nhân sâm như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương, bảo vệ gan, hoạt tính androgen, kích thích miễn dịch, cải thiện trí nhớ, hạ đường huyết,… Majonosid-R2 cũng đã được chứng minh có tác động chống stress, chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống oxi hóa và chống khối u. Do đó, sâm Ngọc Linh được nhiều người săn lùng, tìm kiếm, mua bán và sử dụng.

Mặc dù cây sâm Ngọc Linh đã thoát nguy cơ tuyệt chủng nhưng độ an toàn còn thấp và mức độ đe dọa vẫn ở bậc E trong sách đỏ Việt Nam. Với tình hình khai thác rừng bừa bãi, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang làm thu hẹp môi trường sống của cây sâm Ngọc Linh. Nhu cầu về nguồn giống rất cao, tình trạng sâm giả còn diễn biến phức tạp. Các công trình nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bảo tồn nguồn gen, chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn phục vụ cho việc phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của sâm Ngọc Linh.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế và thách thức đặt ra góp phần tăng cường giữ vững sinh kế và xây dựng thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tiến hành một số nội dung nghiên cứu dựa trên chuỗi giá trị của dược liệu sâm Ngọc Linh từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết xuất và bào chế sản phẩm với một số các dự án được triển khai. 

Sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) được chế biến sâu với đa dạng sản phẩm và bán ra thị trường
Về lĩnh vực đầu tư, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ được Bộ KH-CN giao chủ đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu và Phát triển Sâm Ngọc Linh. Đến nay, dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018, với hệ thống phòng nghiên cứu và vườn giống gốc sâm Ngọc Linh quy mô 20ha tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rộng, tỉnh Kon Tum).

Về hoạt động nghiên cứu, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ chú trọng đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn theo các giai đoạn. Giai đoạn 2019 đến nay, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu một số giải pháp khoa học nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc phá ngủ nghỉ hạt, tăng tỷ lệ nảy mầm, kiểm soát rủi do và rút ngắn quá trình gieo ươm. 

Trong giai đoạn tiếp theo Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ của sản phẩm quốc gia "Sâm Việt Nam" đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ngày 28-12-2018. Trong đó, Trung tâm được giao chủ trì dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển dược liệu Sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum” và phối hợp thực hiện dự án “Nghiên cứu kiểm định chất lượng, tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm dinh dưỡng cây trồng, bảo vệ thực vật chuyên dụng cho Sâm Ngọc Linh”. 

Chưa tưng xứng tiềm năng

Phát biểu của Thạc sĩ Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) cho biết, trong hai dự án được Bộ KH-CN giao thực hiện, Trung tâm chú trọng tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống in-vitro Sâm Ngọc Linh qui mô ≥100.000 cây/năm phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh Kon Tum; hoàn thiện quy trình và sản xuất thử nghiệm Sâm Ngọc Linh chế biến và sản phẩm kích thích miễn dịch, bảo vệ gan từ Sâm Ngọc Linh chế biến dưới dạng cốm, viên nang mềm; nghiên cứu tuyển chọn giống Sâm Ngọc Linh cho năng suất, chất lượng cao và ổn định phục vụ nhân giống để sản xuất Sâm Ngọc Linh ở quy mô hàng hoá; nghiên cứu giải trình tự hệ gen nhân (nuclear genome) của Sâm Ngọc Linh làm cơ sở lập bản đồ di truyền phục vụ công tác chọn tạo giống.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều, hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong Vùng còn yếu kém.

Tin cùng chuyên mục