Ươm mầm xanh cho tương lai

Phong trào xây dựng “Trường học xanh” ở TPHCM đã và đang dần tạo nên những chuyển biến tích cực ở mỗi nhà trường. Một ngôi trường xanh, sạch, đẹp không chỉ tạo cơ hội cho học sinh học tập, trải nghiệm an toàn mà còn giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường tại gia đình, khu dân cư.
Chăm sóc mảng xanh tại Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TPHCM
Chăm sóc mảng xanh tại Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TPHCM

Hình thành thói quen sống xanh

Năm học 2021-2022, TPHCM đã trao giải thưởng cho 40 trường học đạt danh hiệu “Trường học xanh” vì đã có nhiều nỗ lực đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần chung tay cùng thành phố trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những hoạt động, mô hình... mà các trường thực hiện không chỉ làm khuôn viên trường xanh, sạch mà còn giúp các em học sinh có được nhiều kiến thức về công tác bảo vệ môi trường. Theo cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý (quận 7), để xây dựng “Trường học xanh”, nhà trường đã triển khai rất nhiều hoạt động: phân loại rác tại nguồn; sử dụng năng lượng mặt trời; khuyến khích các lớp tổ chức hoạt động công tác xã hội hướng đến sống xanh… Nhà trường cũng triển khai dự án sống xanh dành cho học sinh khối 6. Học sinh sẽ khảo sát các loại cây có thể giảm khí thải trong các nhà vệ sinh, sau đó tái chế chai nhựa thành lọ trồng cây thích hợp với không gian của nhà vệ sinh. Dự án tạo cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức đã học về vai trò của thực vật vào thực tiễn, phát triển tư duy thiết kế và thúc đẩy nhận thức về việc chung tay gìn giữ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. 

Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) cũng cho biết, ban giám hiệu nhà trường đã triển khai rất nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức cũng như trang bị cho các em học sinh những kiến thức về bảo vệ môi trường. Theo đó, để giáo dục thói quen tiết kiệm nước cho học sinh, nhà trường đã tổ chức mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics; sân trường không lát bê tông mà chỉ xếp gạch, giúp nước mưa có thể thấm xuống đất. Ngoài ra, nhà trường hợp đồng với công ty vệ sinh để thực hiện vệ sinh không dùng hóa chất mà chỉ dùng dung dịch vi sinh, qua đó góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh, nhân viên căn tin, bếp ăn hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lông… Tất cả các hoạt động đều hướng đến mục tiêu hình thành thói quen “sống xanh” cho các em học sinh. 

Nhân rộng mô hình

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình “Trường học xanh” góp phần mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Đó cũng là cách giáo dục các em ý thức trách nhiệm trước cuộc sống, biết bảo vệ môi trường, tạo dựng được thói quen và hành vi sống đẹp, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, phát triển mô hình “Trường học xanh” cũng được xem là bước đệm quan trọng để TPHCM hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, thân thiện môi trường. 

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, phong trào xây dựng “Trường học xanh” đã góp phần tạo dựng cảnh quan, môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, giúp học sinh hình thành những thói quen sống xanh như bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi, hạn chế rác thải nhựa để góp phần bảo vệ môi trường sống. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp Sở TN-MT TPHCM triển khai nhân rộng mô hình “Trường học xanh” nhằm khuyến khích các trường đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng trường lớp sạch, xanh. 

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, công tác xây dựng “Trường học xanh” tại các trường học ngày càng được quan tâm, nhiều trường đã triển khai các giải pháp đồng bộ và toàn diện về bảo vệ môi trường - từ giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần đến bảo vệ cây xanh và phát triển mảng xanh. Đặc biệt, các trường luôn lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các hoạt động giảng dạy, các phong trào, hoạt động ngoại khóa, góp phần xây dựng môi trường học tập xanh, thân thiện môi trường và tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ giáo viên, nhân viên, học sinh, hình thành thói quen tốt về bảo vệ môi trường trong nhà trường. “Mỗi nỗ lực của chúng ta nhằm thực hiện tốt và ngày càng tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong trường học, đều đem lại những kết quả xứng đáng và vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường”, ông Trần Văn Bảy chia sẻ.

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên các mạng xã hội Zalo, Fanpage, cổng thông tin điện tử, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đã đẩy mạnh truyền thông, kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Qua đó, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt chương trình “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường” bằng hình thức thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy; tổ chức hội thi “Thời trang tái chế” từ các sản phẩm, vật dụng đã qua sử dụng... Các giải pháp được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường về tầm quan trọng của việc xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp.

Tin cùng chuyên mục