Với sản lượng 54 triệu tấn trong năm 2018, Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/2 sản lượng toàn cầu. Thế nhưng, theo ước tính của Ngân hàng nông nghiệp Hà Lan (Rabobank), trong năm nay, Trung Quốc có thể mất 40% sản lượng.
Tờ South China Morning Post (SCMP) cho rằng các sai sót về chính sách đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng thịt heo thêm nghiêm trọng. Ngày 1-9 vừa qua, Trung Quốc cho tăng 10% thuế trên sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ và thuế trên thịt heo từ Mỹ như thế đã tăng lên mức 72%. Trong lúc đó, trại nuôi heo Trung Quốc lại gánh chịu hậu quả thuế đánh trên đậu nành nhập từ Mỹ, làm giá thức ăn cho heo ở Trung Quốc tăng cao. Bắc Kinh cũng giảm nhập hàng từ Canada, sau vụ nước này bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Theo SCMP, khi sản xuất trong nước bị sụt giảm, Trung Quốc có thể giải quyết thiếu hụt bằng cách xoay qua một trong 2 nước nói trên, vì Mỹ đứng hàng thứ 2 trên thế giới về sản xuất thịt heo và nước xuất khẩu hàng đầu, trong lúc Canada đứng hàng thứ 6.
Tuy nhiên, sai lầm của Trung Quốc không chỉ trên mặt địa chính trị. Năm 2016, một chiến dịch cấp quốc gia đã dành quyền nuôi heo nái cho các nông trại lớn, với mục tiêu cải thiện điều kiện môi trường, kết quả là hơn 150.000 trại chăn nuôi nhỏ nhất bị đóng cửa. Tình trạng thiếu thịt heo như vậy đã bắt đầu từ trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Thịt heo chiếm 64% lượng thịt đủ loại được tiêu thụ ở Trung Quốc. Giá thịt heo tăng đã kéo theo lạm phát, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Theo giới quan sát, sự tức giận của người dân do khủng hoảng thịt heo có thể khiến Chính phủ Trung Quốc mất uy tín nếu lãnh đạo nước này không kịp đưa ra biện pháp để giúp đỡ dân chúng gặp khó khăn. Kết luận về tình cảnh mà Trung Quốc đang phải đối mặt, tờ SCMP cho rằng mục tiêu “giấc mơ Trung Hoa” về một xã hội sung túc từ nay đến năm 2021 mà lãnh đạo Trung Quốc đề ra vẫn chỉ là “giấc mơ” nếu người dân nước này không thể có được một chén thịt heo sạch.