Văn hóa đi đường

Có lẽ vấn đề giao thông, an toàn giao thông luôn là vấn đề nóng hàng ngày ở thời hiện tại và cả trong tương lai gần. Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và hệ thống thông tin truyền thông liên tục có những thông tin về vấn đề này. Mới đây, hết thảy mọi người đều đồng tâm nhất trí nêu vấn đề “văn hóa lưu thông”. Một vấn đề cũ, đã nói đi nói lại nhiều lần. Tuy vậy, nhắc lại cũng là điều cần thiết, bởi cốt lõi của chuyện lưu thông là vậy. Đã sống ắt phải đi, phải đến.

Người viết bài này không có ý “chẻ sợi tóc làm bốn”, nhưng thực tế không thể không nói đến những “phân vùng văn hóa” rất thiết thực. Người ta đã nói nhiều đến văn hóa ăn (ẩm thực), văn hóa giao tiếp, văn hóa ngồi, văn hóa đứng… Trong các thứ văn hóa đời sống ấy, “văn hóa đi” giữ vai trò quan trọng nếu không muốn nói là có tính chỉ đạo.

Người xưa nói “Cây nào cho trái nấy”. Người ngày nay nói “Đi thế nào người thế ấy” cũng rất có lý. Đặc điểm chung của văn hóa là có lý, có tình. Không thể gọi là có văn hóa nếu không có lý, có tình. Có cái lý ở trước, có cái tình ở trước. Dù trước sau gì vẫn phải có lý, tình. Văn hóa đi cũng vậy. Người đi có văn hóa phải là người đi có lý, có tình. Người đi bộ hay đi bằng các phương tiện lưu thông nhất thiết phải tuân theo các luật, định giao thông.

Văn hóa hay không có văn hóa thể hiện ở tính tự giác thực hiện. Nếu chỉ vì sợ cảnh sát, sợ phạt thôi, chưa đủ. Không có cảnh sát, không có người lưu thông, khi gặp đèn đỏ tự giác dừng lại. Là một phản xạ tự nhiên. Thế là có văn hóa. Nhường nhịn nhau khi lưu thông cũng là biểu hiện của văn hóa. Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi sự va chạm, xích mích. Trên đường lưu thông không thể vì tự ái cá nhân đẩy những vụ va quẹt thành những vụ tranh cãi lớn. Gặp người bị nạn không cứu giúp, lãnh cảm thờ ơ có thể coi là người có văn hóa không? Nhất định là không.

Trên đường đi khạc nhổ bừa bãi, hút thuốc lá phì phèo, nói tục chửi thề là những hành vi thiếu văn hóa. Văn hóa đi không có màu sắc của sự vô cảm, những sắc màu lạc lõng không giống ai.

Người thời nay cũng nói “Đi thế nào đến thế ấy” quả không sai. Đi sao cho an toàn cho mình, cho người khác là điều quan trọng số một. Biết đi nhanh, rút ngắn quãng đường là điều quan trọng số hai. Tốc độ không phải là yếu tố duy nhất quyết định cho việc đi nhanh. Trong phát triển kinh tế hay trong đời sống con người cũng vậy. Không phải tự dưng các nhà kinh tế học, xã hội học từ xưa cho tới nay đều khẳng định vấn đề hướng đi có tầm quan trọng quyết định cho kinh tế, cho đời người.

Thử tưởng tượng xem, nếu đi lạc đường với tốc độ nhanh thì việc điều chỉnh khôi phục lại sẽ tốn kém, vất vả đến chừng nào. Đẳng cấp của văn hóa đi chính là khâu hướng đi. Với những người có trách nhiệm hoạch định chính sách, quy hoạch đường đi hẳn biết rất rõ điều này. Với người đi đường bình thường cũng phải biết rõ đi thế nào để tránh chỗ kẹt xe, chỗ ùn tắc nhiều. Tầm mức “văn hóa đi” đòi hỏi sự hiểu biết tương ứng.

Hoàng Tân

Tin cùng chuyên mục