Năm 2013 không phải là năm thành công rực rỡ của văn học trẻ nhưng cứ nhìn vào con số tác phẩm ra đời, tác giả trẻ xuất hiện, lại thấy có hy vọng cho dòng chảy văn học nước nhà. Chúng tôi đã trao đổi cùng nhà văn Võ Thị Xuân Hà (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam.
* Phóng viên: Thưa nhà văn, lực lượng viết văn trẻ hiện nay khá đông đảo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tác giả trẻ qua các tác phẩm chưa ấn tượng, phải chăng có sự chững lại của văn học trẻ?
* Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ: Sự sáng tạo văn học lúc trầm lúc bổng là lẽ tự nhiên. Năm qua, lực lượng viết văn trẻ đã phần nào ảnh hưởng đến dòng văn học đương đại; không ít gương mặt viết trẻ nổi lên, được bạn đọc yêu mến, đón nhận. Thành công bước đầu của họ đã đóng góp ít nhiều cho nền văn học nước nhà. Các tác giả trẻ mỗi người mỗi vẻ, đã tạo nên một không gian đa chiều cho diện mạo văn học 2013. Lớp tác giả thế hệ 7X vẫn đang viết đều đặn, phải kể đến các tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Trần Nhã Thụy, Thiên Sơn, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy…
Gần đây xuất hiện một số cây bút được chú ý cả trong sáng tác và dịch văn học là Đặng Thiều Quang, Hiệu Constant, Trang Hạ, Hồng Sakura, Nguyễn Vũ Hưng... Các tác giả trẻ đầy hứa hẹn như Bình Nguyên Trang, Hoàng A Sáng, Hoàng Hải Lâm, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Toàn Thắng... Các tác giả thế hệ 8X tiếp tục đổi mới phong cách viết, nỗ lực tìm tòi trong cách thể hiện hình thức tác phẩm như Nguyễn Quỳnh Trang, Văn Thành Lê, Trịnh Sơn, Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai…
Cuộc thi viết truyện ngắn Báo Văn Nghệ thu hút khá đông lực lượng viết trẻ và họ đã giành được chiến thắng như Nguyễn Đức Lợi, Vũ Thị Thanh Huyền, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Uông Triều, Phạm Thanh Thúy, Nhụy Nguyên… Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã qua nửa chặng đường, được nhà văn Nguyễn Đình Tú, Trưởng ban Văn xuôi của tạp chí, đánh giá có nhiều triển vọng. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin phát triển đưa tới sự ra đời và lan rộng của “văn học mạng” và “văn học mạng” trở thành nơi đăng tải tác phẩm của một số cây bút chưa định hình. Hàng loạt website văn học ra đời, được nhiều người truy cập và một số cây bút trở thành thành viên tích cực. Họ được cộng đồng mạng công nhận và đón đọc. Dần dà, một số tác phẩm của họ được nhà xuất bản chọn lựa để in thành sách...
* Nhưng chưa có tác phẩm nào đột phá để gây “sốc” cho xã hội?
* Nếu quan sát kỹ, chúng ta cần ghi nhận sức sáng tạo của các tác giả trẻ trong năm 2013 thật dồi dào. Trong những tác phẩm đó, không thiếu tác phẩm hay, đi sát với đời sống xã hội, thể hiện những tìm tòi và phá cách về hình thức lẫn nội dung. Có thể kể những tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ của Nguyễn Phong Việt, Thiên Sơn, Lê Anh Hoài, Chu Thị Minh Huệ, Tống Ngọc Hân… Những tác phẩm dịch của Nguyễn Bích Lan, Trương Quý, Nguyễn Thụy Anh, Trang Hạ, Hiệu Constant, Nguyễn Vũ Hưng… Một số gương mặt đang định hình dần phong cách như Nguyễn Thụy Anh, Doãn Dũng, Nguyễn Anh Vũ, Trịnh Sơn, Hoàng A Sáng… Một số tác giả mới xuất hiện như Phạm Thị Phong Lan, Lê Mai Dung, Lê Nguyễn Quốc Việt, Lưu Quang Minh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Hải Lâm, Vũ Văn Song Toàn, Du An, Lê Đức Quang, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thiên Kiều… Nhưng phải thừa nhận rằng chưa có tác phẩm nào đột phá để gây “sốc” cho xã hội.
* Trẻ thường đi với mới. Năm 2013, sự sáng tạo văn học của lớp trẻ có gì mới hơn không, thưa chị?
* Năm 2013, có nhiều biến động đưa tới cho người viết những lăng kính mà họ có thể chọn lựa cho vị thế của mình. Một số người viết trẻ ngay lập tức tiếp nhận hàng loạt giọng điệu mới mà thế giới văn chương đem tới. Họ chỉnh sửa giọng điệu của mình. Họ cố gắng tìm ra lối cần đi của riêng mình, để không bị trùng lặp và bị “lấp bóng”. Năm 2013 cũng là thời kỳ tự do trong việc quảng bá tác phẩm và tên tuổi của người viết. Ảnh hưởng trực tiếp của thế giới phẳng, đặc biệt trang mạng xã hội Facebook đã gây nên những xáo trộn không nhỏ trong nếp sống của người viết trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến tác phẩm.
* Phải chăng đó là một số lệch lạc trong sáng tác của những người viết văn trẻ?
* Đáng lưu ý là đã và đang xuất hiện xu hướng thương mại hóa cùng những biểu hiện bắt chước, lai căng... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật. Nếu như trước đây, chúng ta thường quan niệm mọi sự việc đều “hữu xạ tự nhiên hương” thì ngày nay lớp trẻ không hoàn toàn kỳ vọng vào điều đó. Hàng loạt cuốn sách dạy cho con người những bí quyết để tự giới thiệu bản thân, dạy cách trở thành người nổi tiếng, được giới trẻ đón đọc và sử dụng để hoạch định tương lai của họ. Nếu trước đây, độc giả thường chỉ biết tác phẩm trước, rồi mới quan tâm tìm hiểu tác giả; thì ngày nay, do công nghệ truyền thông phát triển mạnh, có nhiều tác giả rất nổi tiếng, được nhiều người biết tên, nhưng khi được hỏi tác phẩm của tác giả đó thì nhiều người lại lắc đầu bảo chưa đọc. Có những trường hợp nổi tiếng là do được lăng-xê quảng bá nhiều, với một hay hai tác phẩm chưa thể coi là đã định hình tài năng. Để rồi sau đó bị chìm vào quên lãng, hoặc tác giả không thể viết được nữa, do ảo tưởng và không hề có quyết tâm đáo luyện thành tài.
* Với cương vị là Trưởng ban Nhà văn trẻ, chị có tin vào lớp người viết trẻ hôm nay?
* Dù có thể còn những tồn tại và hạn chế của thời đại, nhưng tôi luôn cho rằng hãy kỳ vọng vào lớp người viết trẻ. Và có thể coi năm 2013 là năm tiếp sức chuẩn bị nội lực cho những tác phẩm giá trị chắc chắn sẽ xuất hiện vào giữa thập niên này.
CAO MINH thực hiện