Vẫn rối chuyện bản quyền

Né trách nhiệm
Vẫn rối chuyện bản quyền

Đã gần 11 năm, kể từ ngày Công ước Berne chính thức đi vào đời sống ở Việt Nam. Khái niệm bản quyền, quyền sở hữu, quyền tác giả, nhân thân… ngày càng trở nên quen thuộc. Tuy thói quen chú ý đến bản quyền, hiểu biết về bản quyền đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; nhưng qua một số sự việc gần đây, cho thấy vấn đề này vẫn còn nhiều rắc rối.

Né trách nhiệm

Để thực hiện chương trình Quà tặng cuộc sống, đơn vị thực hiện đã tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn và xây dựng chương trình từ nội dung của các tác phẩm đoạt giải. Tuy nhiên, sau khi trình chiếu trên sóng truyền hình thì có tiết mục bị tố cáo vi phạm bản quyền. Một họa sĩ cho biết, tiết mục của chương trình gần giống với một truyện tranh được anh sáng tác cách đây 3 năm. Phía đơn vị thực hiện chương trình đã né tránh trách nhiệm khi biện luận rằng, tác giả gửi bài về dự thi đã ký cam kết chịu trách nhiệm về quyền tác giả, đơn vị không có trách nhiệm mà chỉ hỗ trợ để các bên đối chất nhằm tìm ra người sở hữu quyền tác giả thật sự.

Thực ra, sự việc như trên không phải mới mà ngược lại, đây là tình huống khá quen thuộc đối với các đơn vị xuất bản thời kỳ Công ước Berne mới được áp dụng tại Việt Nam. Khi đó, để có giấy phép xuất bản, các cuốn sách phải có giấy chứng nhận bản quyền; tuy nhiên nhiều đơn vị liên kết vì một số lý do đã tự xác nhận bản quyền để xin giấy phép. Khi xảy ra tranh chấp bản quyền, các nhà xuất bản (NXB) cũng viện cớ đơn vị liên kết chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền để né trách nhiệm. Sau này, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã siết chặt hơn về vấn đề bản quyền và NXB dù dưới bất cứ hình thức nào cũng phải chịu trách nhiệm với các ấn phẩm do đơn vị thực hiện.

Cũng như vậy, với sự việc như trường hợp Quà tặng cuộc sống, tác phẩm phát sóng trên truyền hình phát sinh từ tác phẩm gốc là truyện ngắn dự thi. Dù có hay không vi phạm bản quyền, đơn vị thực hiện tác phẩm phát sinh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể đứng ngoài cuộc, vô can hay chỉ làm một việc là sắp xếp cho tác giả truyện ngắn và tác giả truyện tranh gặp nhau như đơn vị đã làm.

Truyện tranh Ba tôi, một vụ tranh chấp bản quyền điển hình hiện nay.

Vi phạm tràn lan

Vụ việc tranh cãi về vấn đề bản quyền liên quan đến chương trình Quà tặng cuộc sống kể trên đã vô tình gợi lại sự chú ý về vấn đề tôn trọng bản quyền hiện nay, sau một thời gian vấn đề này có phần tạm lắng. Đầu tiên là việc giới họa sĩ, nhất là các họa sĩ sáng tác truyện tranh đã có sự đoàn kết hiếm thấy khi bảo vệ người họa sĩ được coi là nạn nhân vụ vi phạm quyền tác giả. Lý giải hiện tượng này, các họa sĩ đều cho rằng bấy lâu nay, họa sĩ truyện tranh hầu như bị coi nhẹ về vấn đề bản quyền, tác phẩm làm ra bị sao chép khắp nơi, đặc biệt trên Internet. Chính vì thế, việc các họa sĩ truyện tranh quan tâm đến vụ việc trên được xem như cách thể hiện sự đoàn kết.

Từ vụ tranh chấp bản quyền trên, nhiều tác giả khác cũng lần lượt tố chương trình trên sử dụng tác phẩm của họ mà không thực hiện các nghĩa vụ về bản quyền như tiền nhuận bút, ghi tên tác giả… Ngay sau khi bị tố, những người thực hiện chương trình đã vội xin lỗi và đồng ý thực hiện các trách nhiệm của mình. Và nếu những tác giả này không tự mình tìm xem các tiết mục, tự phát hiện đứa con tinh thần của mình thì có lẽ đến nay, quyền lợi của họ vẫn bị lãng quên.

Vừa qua, một số nhà thơ đã tố nhiều đơn vị xuất bản sử dụng thơ của họ mà không xin phép và dĩ nhiên cũng không trả tiền bản quyền. Điều đáng nói, các tập thơ này đều được in từ cách đây vài năm như tập Thơ cho thiếu nhi (NXB Văn học và Công ty Huy Hoàng liên kết thực hiện) in năm 2013 hay hai tập Nhạc và thơ dành cho bé và Em yêu thơ ca, (NXB Mỹ thuật và Công ty Minh Long liên kết) in năm 2014 rồi Tuyển tập bài thơ, bài hát và câu đố hay cho bé (NXB Văn học liên kết với Công ty Phúc Minh) thực hiện cuối năm 2014. Việc các nhà thơ phát hiện thơ mình bị tự ý sử dụng hoàn toàn tình cờ từ bạn bè, người thân vô tình đọc được và báo lại.

Biện hộ cho việc không xin phép cũng như trả tiền bản quyền, các đơn vị đều “nhất quán” với lý do không thể liên hệ được tác giả! Thế nhưng, không phải tác giả nào cũng khó liên hệ, như trường hợp nhà thơ, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Trần Quốc Toàn, ông còn là nhà báo, đang hoạt động rất sôi nổi. Chỉ cần gõ tên nhà văn Trần Quốc Toàn trên các trang tìm kiếm trực tuyến là có rất nhiều thông tin về ông.

Hiện nay có ít nhất hai nơi, một là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC) và Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT-DL. Tổng số thành viên của VLCC hiện giờ là 877, bao gồm tất cả các cây bút ở trung ương, địa phương. Việc bảo hộ tác quyền của VLCC là không thu phí. Còn ở Cục Bản quyền, việc đăng ký tác quyền cũng không quá khó khăn, mức phí thu không cao, lại mang danh cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý… Tuy nhiên, số lượng tác giả gửi gắm cho các đơn vị trên vẫn còn khá ít, nhiều nhà văn còn e dè do thói quen cho rằng “trước giờ không cần ai lo cũng có sao đâu” để đến khi xảy ra sự cố mới ngỡ ngàng, bối rối.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục