Cuộc gặp gỡ cuối cùng với họa sĩ Lưu Công Nhân

Vẽ là sống cho đời

Vẽ là sống cho đời

Vẽ là sống cho đời ảnh 1

Cuối năm 2006 đến thăm họa sĩ Lưu Công Nhân lúc ông từ Đà Lạt về “đóng đô” tại khách sạn Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi không ngờ đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng với người nghệ sĩ tài hoa ấy. Linh cảm được điều gì về sức khỏe chăng, ông đã dành cho chúng tôi những ý kiến trao đổi ngắn về hội họa, về cuộc đời...  

Mỗi lần về lại TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Lưu Công Nhân vẫn thích chọn căn phòng rộng ở dưới tầng trệt của khách sạn Ritz để vừa có chỗ ở yên tĩnh, độc lập vừa thoải mái vẽ tranh như đang ở một xưởng vẽ mini của nhà riêng.

Căn bệnh Parkinson đã làm ông đi lại quá khó khăn, tâm sức hao gầy nhưng sự say mê vẽ lúc nào cũng cháy bỏng trong lòng người nghệ sĩ, Lưu Công Nhân bày tỏ chậm rãi: “… Lúc nào đi ngủ thì thôi, cứ mở mắt ra là hình ảnh hiện ra trong đầu, màu đến nhanh trong đầu, chú chỉ muốn ngồi vẽ”.

Đối với ông, chưa bao giờ “quỹ thời gian” lại thiếu thốn đến thế! Tản mạn từng mẩu chuyện, có lúc trông họa sĩ Lưu Công Nhân thật trầm tư nhưng có lúc khuôn mặt ông cười vui rạng rỡ, ông còn khuyên tôi nên chịu khó ghi âm, ghi chép kỹ, phòng khi… ông qua đời! (không ngờ đó cũng là sự thật!)

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao ông cho rằng hội họa không có lý luận mà chỉ có phê bình, nghiên cứu, ông xua tay, nói:

– Họa sĩ vẽ là vẽ thôi. Chẳng có lý luận gì cả! Nhưng đã vẽ là phải vẽ thực chứ không bịa. Vẽ vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật. Vẽ là tâm hồn phát ra ngôn ngữ hội họa và phần kỹ thuật của thế giới màu sắc. Phê bình hội họa, nghiên cứu hội họa thì được chứ không có lý luận hội họa! Picasso từng nói “khi vẽ tôi bị dẫn dắt bởi một sức mạnh huyền bí”. Đó là sức mạnh của hội họa. Vẽ một mạch là xong.

Thời xưa họa sĩ Tây vẽ trên tường phải mất 6 năm trời. Ở Trung Quốc, họa sĩ Lưu Khải Chi thời xưa vẽ tranh khá nhanh chỉ trong mấy giây đồng hồ. Thực ra, vẽ tranh nhanh rất khó. Họa sĩ của mình chưa làm được điều đó. Đó là nội lực, là trí tuệ. Vẽ nhanh do nội lực, trí tuệ có sẵn, chỉ chờ dịp phát ra. Vẽ phải điệu nghệ mà muốn điệu nghệ là phải tinh luyện.

Bỗng dưng ông so sánh chuyện tinh luyện vẽ tranh như tinh luyện bắn súng. Ở SEA Games, vận động viên nếu bắn ba phát trúng một lỗ là được lãnh huy chương vàng. Ông cho rằng chính bản thân mình cũng phải vẽ thuần thục đến mức độ bắn chục phát là trúng một chục phát. “Thử suy nghĩ về sự rèn luyện của Picasso: năm 6 tuổi Picasso đã vẽ như Michelangelo. 18 tuổi vẽ dữ dội. Đến 20 tuổi vẽ kinh khủng. Về sau ông chỉ bôi, không phải vẽ. Nhưng, thực sự người ta biết tài năng Picasso từ còn trẻ không phải là lúc sau này…”.

Lúc này, họa sĩ Lưu Công Nhân đang sắp xếp những bức tranh chân dung cho quyển vựng tập, chúng tôi hỏi ông về thế giới những người mẫu và tiêu chí cái đẹp khi chọn người mẫu như thế nào, họa sĩ Lưu Công Nhân cười:

– Cái đẹp được cảm nhận theo cách riêng ở mỗi nghệ sĩ. Không ai giống ai đâu. Có người trông thấy người mẫu của tôi đã bảo không có gì đặc biệt cả mà họa sĩ Lưu Công Nhân lại vẽ say sưa. Đẹp là gì? Tùy người cảm nhận. Có lúc tôi thích vẽ một cô béo, có lúc tôi thích vẽ một cô gầy nhom. Có lúc người ta cảm nhận từ một câu nói, một cử chỉ của một cô gái, thế là mình thấy cô ấy đẹp hẳn.

Chứ vẽ hoa hậu với ba số đo rõ ràng, hơi đâu mà vẽ làm gì! Bức tranh vẽ có hồn phần lớn còn do người vẽ có tình cảm với người mẫu, đặt hết tâm trí của mình dành cho đối tượng vẽ. Hồn của tranh chỉ có thể bộc lộ khi họa sĩ nắm bắt được nội tâm, thần thái của nhân vật. Đó cũng là thể hiện được sự cảm nhận cái đẹp của người vẽ.

Họa sĩ Lưu Công Nhân chỉ từng bức tranh chân dung ông đã vẽ từ những năm 50 đến 80. Thế giới nhân vật của ông rất sống thực, gần gũi. Họ có thể là những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng cao, cô dân quân, anh bộ đội của “dọc đường kháng chiến”... Có mấy bức chân dung cậu trai nhỏ, tóc ngắn, mắt tròn xoe, họa sĩ Lưu Công Nhân bảo là chân dung Tuấn, con trai của ông hồi còn bé (bây giờ anh cũng là họa sĩ sống ở Đà Lạt). Có bức vẽ chân dung một cô gái Sài Gòn những năm 80 mặc áo dài màu cam. Gam màu sáng tươi, rực rỡ đến sửng sốt. 

Vẽ là sống cho đời ảnh 2

Hai bức tranh mới nhất họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ vào cuối năm 2006.

Vẽ là sống cho đời ảnh 3

Hai bức tranh mới nhất họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ vào cuối năm 2006.

Ông quan niệm thế nào về đối tượng xem tranh? Một chút trầm ngâm, họa sĩ Lưu Công Nhân bảo niềm hạnh phúc nhất là có người hiểu được tranh của mình. Nhưng hạnh phúc còn lớn hơn đối với người vẽ là tranh của mình đã mang được niềm vui và sự bình yên đến người xem. Họa sĩ vẽ không chỉ để tự bộc lộ sự tồn tại, được sống, được vẽ mà còn là vẽ để cho ai xem.

Ông nhắc lại câu chuyện như một “bài học kinh nghiệm” khi thử vẽ tranh trừu tượng. Lần ấy ông mang tranh trừu tượng tham gia cuộc triển lãm chung và thử đứng quan sát phòng tranh. Thật buồn cười, mọi người đến xem tranh khá đông nhưng chẳng ai để ý đến tranh trừu tượng!

Tôi hỏi: – Ông vẫn thường sử dụng giấy dó khi vẽ tranh, kể cả vẽ tranh khỏa thân. Chất liệu này xem ra khó vẽ hơn vẽ sơn dầu. Tại sao ông lại thích vẽ tranh trên giấy dó?

Họa sĩ Lưu Công Nhân gật đầu: – Đúng vậy. Vẽ tranh trên giấy dó cực kỳ khó. Phương Tây mạnh về vẽ sơn dầu. Tranh sơn dầu có độ bền khoảng 200-300 năm nhưng tranh giấy dó của mình còn bền gấp mấy lần. Nghiên cứu về sắc phong Thần Hoàng của các vị vua Việt Nam xưa được viết trên giấy dó có thể chứng minh được điều ấy. Điều thú vị là hồn dân tộc và hồn tranh dễ tìm thấy qua chất liệu này. Dĩ nhiên, các họa sĩ Việt Nam có thế mạnh khi dùng giấy dó để vẽ tranh. Đây cũng là điều đáng tự hào về chất liệu nghệ thuật của dân tộc mình quá đi chứ!

Rất nhiều mẩu chuyện nghề được bàn qua nhận xét thật sắc sảo, uyên bác của họa sĩ Lưu Công Nhân. Thỉnh thoảng ông dừng lại kể về khoảng thời gian mê vẽ của thời thơ ấu, của thời “con người của dọc đường kháng chiến và bình yên” (lời nhận xét của Tô Hoài) và khoảng đời còn lại gắn bó ở Đà Lạt.

Cả cuộc đời ông đã toàn ý, toàn tâm, toàn sức và thật “kiên định” với hội họa! Ông tự nhận mình là người rất ít có bạn bè nhưng qua những mẩu chuyện đời, giờ ngẫm lại, chúng tôi càng hiểu Lưu Công Nhân là người sống thật chân thành, tâm huyết, nồng hậu và quá yêu đời, yêu người!

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục