Tản văn

Về lại Ba Chúc

Về lại Ba Chúc

Cột mốc biên giới đất liền 314 được khánh thành vào ngày 24-6 trong niềm vui giữa hai nước anh em uống chung dòng nước Mê Kông. Đã 45 năm Việt Nam và Campuchia hiền hòa thiết lập quan hệ ngoại giao bằng niềm tin, hợp tác, hữu nghị, hòa bình và cùng phát triển. Nỗi kinh hoàng năm nào bởi nạn diệt chủng Pôn Pốt càng khắc sâu thêm hình ảnh đoàn kết giữa hai dân tộc, giờ thêm khắng khít tình láng giềng chung sức chung lòng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân hai nước.

Nhà mồ Ba Chúc

Nhà mồ Ba Chúc

Đã nhiều lần về nhà ngoại, nhưng chưa có dịp đi dọc vùng thất sơn của tỉnh An Giang huyền tích bi hùng. Tôi nhớ mãi về thảm họa ở thị trấn Ba Chúc năm nào. Thị trấn này thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trước đây là một xã thuộc huyện Bảy Núi, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 7km. Ba Chúc là xã có địa hình bán sơn địa, tọa lạc giữa 2 ngọn núi lớn có tên núi Tượng và núi Dài Lớn (còn gọi là Ngọa Long Sơn).

Tại đây, vào đêm 30-4-1977 cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, bọn Pôn Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào man rợ. Đỉnh cao của tội ác này là cuộc thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc từ ngày 18-4-1978 đến ngày 30-4-1978. Qua 12 ngày đêm bị bọn diệt chủng chiếm đóng, Ba Chúc đúng nghĩa bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu, chúng cũng cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng, tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Dã man nhất là sau hàng loạt vụ hãm hiếp phụ nữ rồi chúng đã dùng gậy, tre vót nhọn thọc sâu vào chỗ kín của phụ nữ, phanh thây trẻ nít.

Ai có thể dửng dưng được và làm sao ngăn được những giọt lệ sụt sùi đó đây của khách viễn du khi xem tái hiện đau thương lịch sử qua những tấm ảnh, hiện vật chứng tích. Nỗi đau này mãi mãi còn ghi nhớ trong ký ức dân tộc, trong lòng mỗi người dân Ba Chúc và của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Hòa theo dòng người đi chầm chậm, trĩu lòng, tôi chợt nghe thi thoảng thê lương tiếng sáo vọng đến từ khu nhà mồ Ba Chúc. Người thổi sáo là chàng trai trạc 36, 37 tuổi nhưng mái tóc đã hoa râm, một mắt đã hỏng trong những năm ấu thơ hoảng loạn chạy giặc diệt chủng. Anh ngày ngày ngồi bán vé số với giấc mơ vượt lên số phận, như thách thức với những điều bất hạnh nhất. Đôi lúc anh kể ngắt quãng về tai họa giáng xuống từ bè lũ diệt chủng và lẫn trong ánh mắt còn lại kia là niềm tự hào dân tộc, tin yêu cuộc sống. Câu chuyện về quê hương mình đổi mới hôm nay được anh miết vành môi tròn lạc quan qua khúc nhạc véo von ban trưa từ màu nhẵn bóng của ống sáo.

Lịch sử sang trang, đất nước thêm màu mỡ, Ba Chúc đã bừng sáng một màu xanh ngút ngàn, lóng lánh vẻ đẹp thanh bình, yên ả. Đường về Ba Chúc hôm nay đã phẳng phiu, an lành nhưng vẫn không khỏi gợn lên những cung bậc buồn xa vắng.

Trần Huy Minh Phương

Tin cùng chuyên mục