Tản văn

Về sự dũng cảm

Khi nói về lòng dũng cảm, người ta thường nêu ra những gương chiến đấu anh dũng trên chiến trường hay những hành động không ngại gian khổ hiểm nguy cứu giúp người khác. Nói gọn lại, dũng cảm là điều phi thường luôn được xã hội tôn vinh.

Thực ra, trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều những biểu hiện của sự dũng cảm. Xin kể ba câu chuyện nhỏ. Một đêm nọ, trên đường phố đông người, xảy ra một tai nạn xe máy. Nạn nhân điều khiển xe máy bị bể đầu, rách thịt, máu chảy đầm đìa.

Kẻ gây ra tai nạn tẩu thoát. Không có cảnh sát giao thông hay đại diện chính quyền địa phương ở đó. Một người chạy xe ôm đang lưu thông trên đường đứng ra làm chủ vụ việc. Người chạy xe ôm đã có tuổi, dáng vẻ ốm yếu.

Ông đưa người bị nạn lên taxi đến bệnh viện cấp cứu, để lại chiếc xe của mình, xe của nạn nhân cho người khác trông coi trong khi chờ cảnh sát tới. Chiếc xe cũ kỹ của ông chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng với gia cảnh phải chạy xe ôm để kiếm sống, đó là một tài sản lớn. Với tấm lòng nhân ái sẵn sàng cứu giúp người bị nạn, ông đã tin cậy giao phó tài sản lớn của mình cho người không quen biết. Có thể nói, ông là người dũng cảm.

Một chuyện khác nhỏ thôi nhưng rất đáng kể. Một ông khách ra sân bay, dọc đường mua một gói thuốc lá. Không có tiền nhỏ, chỉ có tiền mệnh giá lớn (500.000đ). Bà bán thuốc lá trả lại cho ông thừa tới 50.000 đồng.

Điều này ông chỉ phát hiện ra khi tới sân bay trả tiền taxi. Ông công chức nhà nước đi nước ngoài này khẩn khoản nhờ người lái taxi quay trở lại chỗ bà bán thuốc trả lại giùm số tiền thừa. Người lái taxi không nhận số tiền trả cho cuốc xe từ sân bay đến điểm bán thuốc, hứa sẽ thay ông trả lại tiền thừa cho bà chủ tủ thuốc. Và anh chàng taxi đã đến nơi trả lại bà chủ số tiền thừa ấy! Người ta khen ông công chức đi sân bay và anh lái taxi là người dũng cảm.

Người viết đã từng chứng kiến rất nhiều gương dũng cảm và có thể khẳng định: Dũng cảm là yếu tố quan trọng hàng đầu cho chiến thắng trong chiến tranh cũng như trong hoạt động kinh tế. Có một gương dũng cảm khác, không thể không kể ra.

Ở vùng quê nghèo khó nọ, có một cựu chiến binh không nhận mình là thương binh cho dù thương tật của anh bị mất một bàn tay và bị thương ở chiến trường. Anh bảo, vết thương này do đi tắm ở suối bị rắn cắn, không phải do bom đạn ở chiến trường. “Không bị thương trong chiến đấu sao gọi là thương binh được” - ông khẳng định.

Chính sách đối với người có công trong kháng chiến vẫn có thể cấp cho anh sổ thương binh với khoản tiền trợ cấp và những quyền lợi khác không nhỏ chút nào. Có người nói anh gàn dở. Rất nhiều người khen anh dũng cảm. Có người bảo, thời buổi cạnh tranh hội nhập ngày nay “con người kinh tế” là chủ soái, là cổ đông chi phối mọi hoạt động con người. Nghĩa là kinh tế trong chính trị, kinh tế trong văn hóa, kinh tế trong đạo đức…

Mà đã là kinh tế phải có lợi ích, lợi nhuận. Người viết không đủ bản lĩnh bàn sâu về vấn đề này. Tuy vậy, khi kể ra ba câu chuyện nhỏ về sự dũng cảm rất bình dị xảy ra trong cuộc sống thường ngày mà chắc chắn bạn đọc vẫn thường gặp, người viết đã gián tiếp bàn thêm về cái xu thế chủ đạo của “con người kinh tế” hiện nay.

Chắc cũng không sâu sắc gì nhiều, nhưng cũng không thể nói là nông cạn khi khẳng định: dũng cảm công nhận sự thật, dũng cảm tin cậy người khác, dũng cảm vượt qua tính ích kỷ vụ lợi để đảm bảo lợi ích của người khác, dũng cảm thực hiện sự công bằng minh bạch cho dù rất nhỏ là những tố chất phải có của con người kinh tế hiện đại.

Nếu không có những tố chất trên, con người kinh tế sớm muộn gì cũng phá sản. Bởi lẽ, cho dù là kinh tế, chính trị hay văn hóa, con người vẫn là chủ đạo, đạo lý làm người vẫn mang tính quyết định. 

TRẦN VĂN

Tin cùng chuyên mục