Vì đâu bị kiện?

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng nhanh, các vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của ta cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Tính đến hết tháng 9-2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đáng chú ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang có dấu hiệu tăng nhanh trong năm 2020. Chỉ riêng 9 tháng năm 2020 đã có 32 vụ, tăng gấp đôi so với cả năm 2019.

Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là EU, Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).

Ở các thị trường lớn như Mỹ và EU, khâu kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, chất lượng hàng hóa của một số ngành sản xuất tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của nước bạn, không loại trừ nhiều trường hợp “bôi trơn” để vượt qua khâu kiểm tra trong nước.

Đây chính là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, dẫn đến việc khi hàng hóa Việt Nam cập bến thị trường nước ngoài, từ những cơ chế kiểm soát khác nhau, họ phát hiện hàng hóa của ta có vấn đề nên tiến hành xác minh, xử lý khiến gia tăng các vụ việc PVTM đối với Việt Nam. Một vấn đề nữa là hiện tượng “đội lốt” hàng xuất khẩu.

Các nước lớn, đặc biệt là thị trường EU đang nghi ngờ có những doanh nghiệp (DN) liên doanh, liên kết hoặc vì lợi ích cá nhân mà chấp thuận cho hàng hóa nước ngoài đội lốt “Made in Vietnam” để xuất khẩu, nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đã được ký kết với Việt Nam. Hậu quả của việc này vô cùng lớn, không chỉ thiệt hại về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự quốc gia.

Rõ ràng, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, các DN Việt Nam cần tuân thủ một số biện pháp cấp bách về phòng chống gian lận xuất xứ, không chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp… để khai thác hiệu quả, bền vững các FTA. Bộ Công thương cho hay, biện pháp PVTM bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được áp dụng rất phổ biến trong thương mại quốc tế.

Các biện pháp này được WTO cũng như các FTA cho phép sử dụng để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhằm bảo vệ và đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng trong quá trình hội nhập quốc tế. Các công cụ về PVTM đối với Việt Nam là nội dung còn tương đối mới với giới DN. Vì vậy, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng thì các vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Do đó, DN Việt cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu, nghiên cứu để thực sự nắm rõ về các quy định xuất xứ hàng hóa, về PVTM; có phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải, nhằm tránh thua thiệt khi đối mặt với các vụ kiện PVTM.

Tin cùng chuyên mục