Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) kể lại câu chuyện thu mua hải sản từ ngư dân của Saigon Co.op. “Bà con kể mỗi chuyến ra khơi thường phải mang theo 50kg gạo. Vì tàu nhỏ nên chỉ chở đủ lương thực, nhiên liệu trong 30 ngày. Sau một chuyến đi biển 30 ngày trở về, thường thì hải sản đánh bắt được trong 10 ngày đầu khi về chỉ bán để làm thức ăn gia súc, bởi đã hỏng hết; hải sản 10 ngày tiếp thì bán với giá rẻ vì không còn tươi. Thành thử, ngư dân chủ yếu trông mong vào số hải sản đánh bắt được trong 10 ngày sau, vì còn tươi nên mới được giá”, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá, để ngư dân không phải chạy đi chạy về và hải sản thì phải bán đổ bán tháo do bị bảo quản lâu ngày.
Ngay sau khi ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kể xong câu chuyện này, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã hỏi ngay: “TP đầu tư vốn cho Saigon Co.op làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, anh có dám làm không? Trước Saigon Co.op đã đầu tư cho nông dân, giờ chuyển sang đầu tư cho ngư dân. Cần đột phá luôn, không trông đợi. Chúng ta sẽ kết hợp với hải quân để làm. Đừng kêu gọi nữa, Saigon Co.op làm luôn đi”, Bí thư Thành ủy TPHCM đặt vấn đề.
Chủ tịch Saigon Co.op băn khoăn cho rằng công việc này lớn, Bộ NN-PTNT phải ra tay, mỗi mình Saigon Co.op không làm được vì không có năng lực đóng tàu, vận hành tàu, Saigon Co.op chỉ tham gia được khâu là tiêu thụ hải sản cho bà con ngư dân.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM động viên: “Cái này đã từng có hội thảo rồi, nhà nước sẽ đỡ đầu, Saigon Co.op nên thí điểm”.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị: “TPHCM, Saigon Co.op sẽ kết hợp với hải quân để làm. Đừng đợi. Hãy cứ làm đi rồi mở rộng ra”. Còn Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7 Ngô Ngọc Bình thì phát biểu: “Quân khu 7 sẽ kết hợp làm”. ĐB Đỗ Văn Đương cũng nói: “Làm thế nào thì cụ thể tính sau, nhưng Saigon Co.op hãy dám làm đi, vì bà con ngư dân, vì lợi ích chung của đất nước”.
Cuộc đối thoại qua lại của các ĐBQH TPHCM trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 23-5 mang một nhuệ khí rất khác những thảo luận thông thường. Trong bối cảnh hiện nay, không nằm ngoài dự đoán, vấn đề hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trở thành tâm điểm để các ĐBQH thảo luận, xoay quanh cả từ vấn đề kinh tế, xã hội đến an ninh trật tự, quốc phòng. Bất cứ một ý kiến nào cũng đều có ý thức về việc hiến kế để làm sao có những biện pháp thiết thực nhất, những việc làm thiết thực nhất trong tình hình hiện nay. Không chỉ tại đoàn ĐBQH TPHCM mà tất cả các đoàn ĐBQH khác, hầu như các ý kiến đều mong muốn góp ý, hiến kế nhiều biện pháp cả về lâu dài và trước mắt để phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng cho đất nước, hỗ trợ tối đa cho ngư dân bám biển giữ chủ quyền. Dường như ai cũng nóng hơn, nhiệt huyết hơn, thúc giục hơn…
Quốc hội đã khép lại 1 tuần làm việc đầu tiên. Trong suốt 1 tuần, dường như tất cả thông tin bên hành lang Quốc hội và cả trên nghị trường đều chỉ tập trung vào một điểm “nóng”, đó chính là vấn đề biển Đông với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Quốc hội cũng đã thể hiện thông điệp kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Trên chính trường quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tiếp thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.
Dường như, lúc này đây, sự đồng lòng trong trong cuộc đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đã lan tỏa mạnh mẽ ở đất nước Việt Nam, từ mỗi người dân yêu nước đến từng cấp lãnh đạo, từng vị ĐBQH. Sự đồng lòng đó, nói như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng là “Nếu chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng bị xâm phạm thì chắc chắn 90 triệu người dân Việt Nam là một, để chống lại hành động ngang ngược đó”. Nguồn cảm hứng thiêng liêng đó cũng lan tỏa tới chúng tôi, những người làm báo - khi được chứng kiến, tường thuật về ý chí, trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ và nhân dân trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
PHAN THẢO