Việt Nam đẩy mạnh đầu tư sang Campuchia

* Ký hợp đồng liên doanh thành lập Hãng Hàng không quốc gia Campuchia

(SGGP). – Tối 26-7, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, dưới sự chứng kiến của đại diện chính phủ 2 nước Campuchia và Việt Nam là Thủ tướng Hun Sen và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh và Phó Thủ tướng Campuchia Sok An đã ký hợp đồng liên doanh thành lập Hãng Hàng không quốc gia Campuchia Angkor Air (CAA).

Theo đó, CAA sẽ hoạt động theo mô hình hãng hàng không truyền thống với tiêu chí an toàn, hiệu quả bằng dòng máy bay thế hệ mới, công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn, an ninh của các tổ chức hàng không quốc tế (ICAO) và IATA.

Đội máy bay của CAA ban đầu gồm 2 chiếc là ATR 72-500 và Airbus A321-200. Thị trường khai thác của CAA chủ yếu là thị trường nội địa Campuchia và các đường bay trong khu vực với thời gian bay từ 2 - 3 giờ.

Bắt đầu từ ngày 27-7, CAA sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại đầu tiên với tần suất 4 chuyến/ngày từ Phnom Penh đi Xiêm Riệp và 1 chuyến/ngày đối với 2 chặng bay: TPHCM đi Xiêm Riệp và TPHCM đi Phnom Penh.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, trong khuôn khổ hợp tác liên doanh, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ toàn diện cho CAA trong các lĩnh vực khai thác, kỹ thuật, thương mại và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhanh chóng đào tạo các cán bộ chuyên ngành hàng không người Campuchia cho CAA.

Theo kế hoạch, CAA sẽ tiếp tục phát triển đội bay, mở rộng khai thác đường bay nội địa và quốc tế trong thời gian tới. Cụ thể, đến tháng 3-2010, đội bay của CAA sẽ bổ sung thêm 1 chiếc ATR72-500 hoàn toàn mới do Hãng ATR trực tiếp bàn giao, sau đó sẽ tiếp nhận 5 máy bay hoàn toàn mới, nâng tổng số máy bay của CAA lên 8 chiếc trong năm 2010, và sẽ tiếp tục nâng lên 12 chiếc vào năm 2015.

Cùng thời gian này, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã ra mắt đại diện thương mại đầu tư của mình tại Campuchia là Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Campuchia (IDCC). Với tổng số vốn lên đến 100 triệu USD, IDCC đã tiến hành mua lại 100% vốn của Ngân hàng Đầu tư Thịnh Vượng PIB (một ngân hàng tư nhân của Campuchia) để cơ cấu, áp dụng mô hình quản trị hiện đại và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Campuchia - BIDC (100% vốn Việt Nam).

Cùng với việc thành lập Ngân hàng BIDC, BIDV còn đàm phán với các bên tại Campuchia để thỏa thuận thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI), trong đó phía Việt Nam nắm giữ 90% vốn điều lệ.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, sau khi thành lập BIDC là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất ở Campuchia, hoạt động trên các lĩnh vực huy động vốn, cho vay, bảo lãnh tín dụng, thanh toán và các dịch vụ khác.

Phát biểu tại buổi lễ, cả Thủ tướng Hun Sen và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đều cho rằng, hai sự kiện Việt Nam và Campuchia hợp tác thành lập Hãng Hàng không CAA và việc BIDV đầu tư thành lập ngân hàng 100% vốn Việt Nam tại Campuchia đã thể hiện đường lối nhất quán về tăng cường hợp tác đầu tư, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế - xã hội của hai bên.

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục