Việt Nam trong trí tưởng tượng

“Nghĩ tới Việt Nam, bạn liên tưởng tới những hình ảnh nào?”, một câu hỏi gợi mở và không nhất thiết phải có một câu trả lời cụ thể để bắt đầu triển lãm Vietnam Reimagined - Tái tưởng tượng Việt Nam. Người xem thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đương đại và tự tìm câu trả lời về Việt Nam trong trí tưởng tượng của riêng mình.

Sau thành công tại Hà Nội, triển lãm Tái tưởng tượng Việt Nam đến với người yêu nghệ thuật ở TPHCM trong một không gian khá đặc biệt. 30 tác phẩm của 27 nghệ sĩ minh họa trẻ đặt trong không gian của Toong Coworking Space (không gian làm việc chia sẻ, tại số 1 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1).

Nơi đây từng là một trong những công trình nổi bật nhất của kiến trúc Việt Nam tân thời, kiến tạo bởi kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ. Không gian hiện tại đã được trùng tu gần đây và tái kiến thiết thành môi trường làm việc thế hệ mới, nhưng vẫn lưu giữ những dấu ấn khó phai của một thời kỳ lịch sử và thẩm mỹ như: gạch thông gió, gạch lát sàn mosaic, họa tiết sắt uốn hình trúc - tùng. Triển lãm bất giác trở thành một cầu nối giữa tương lai và lịch sử.  

Việt Nam trong trí tưởng tượng ảnh 1  Không gian triển lãm Tái tưởng tượng Việt Nam tại TPHCM

Những góc nhìn độc đáo về Việt Nam và nhịp sống thành phố xưa và nay, được thể hiện qua khả năng sáng tạo, thẩm mỹ của các nghệ sĩ trẻ. Hình ảnh quà vặt, thức ăn sáng trước cổng trường khiến bạn trẻ Tuyết Trâm (23 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận 3) thích thú: “Ra trường cũng lâu rồi, nay nhìn hình ảnh này chợt nhớ thời học sinh. Ít nhiều thì ai cũng từng vài lần tụm ba tụm bảy mua quà vặt trước cổng trường. Có lẽ ký ức về đất nước với mỗi người có thể bắt đầu từ những câu chuyện nho nhỏ của tuổi thơ”.

Điểm khởi đầu của triển lãm trên là thử thách vẽ minh họa số 7 được tổ chức bởi TiredCity (thành lập năm 2016, sản xuất, phân phối sản phẩm nghệ thuật từ những nghệ sĩ địa phương tới công chúng trong và ngoài nước, nhằm đưa nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng) và Vietnam Local Artist Group (công ty con của TiredCity).

Sự kiện trên gây bất ngờ khi trong vỏn vẹn 4 tuần đã nhận được gần 300 tác phẩm từ hơn 230 nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước. 30 tác phẩm xuất sắc nhất được tuyển chọn để đưa vào triển lãm, đa phần được thực hiện bằng phương pháp vẽ kỹ thuật số (digital painting). Các nghệ sĩ kết hợp phác thảo giấy và máy tính, hoặc sử dụng bản vẽ điện tử để thực hiện tác phẩm.

Mỗi tác phẩm là một phác thảo mới lạ về bản sắc, văn hóa cũng như cá tính của con người Việt Nam, với các chủ đề trải dài từ tranh dân gian, bát phở, tới hình ảnh ông đưa cháu đi học, cột điện, kẹt đường… Một tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu kỹ thuật số mang đến cho những chủ đề quen thuộc một tinh thần mới, khơi gợi trí tưởng tượng và xúc cảm trong sáng cho người xem.

“Covid-19 gây ảnh hưởng trong năm qua, Tái tưởng tượng Việt Nam cũng là cách mà chúng tôi cổ vũ cộng đồng học cách đối mặt và vượt qua khó khăn, để tái tưởng tượng năm 2020 như một thách thức mà mỗi người có thể tự thay đổi và nhìn nhận lại bản thân, học cách thích nghi với trạng thái bình thường mới và từ đó mở ra cơ hội để chúng ta khởi phát những giải pháp đột phá, sáng tạo hơn trong năm 2021”, anh Dương Đỗ, người sáng lập Toong Coworking Space và GocCreation (đơn vị thiết kế và thi công các không gian đô thị, công cộng), chia sẻ.

Bản sắc của Việt Nam được lưu giữ trong những giá trị cổ truyền và phát huy trong công cuộc phát triển và giao thoa văn hóa đương thời. Những lát cắt về bản sắc Việt qua lăng kính của tranh minh họa trong khuôn khổ triển lãm Tái tưởng tượng Việt Nam vừa sống động hơi thở hiện đại, vừa dí dỏm với những cách tân độc đáo. Người xem sẽ liên tiếp bắt gặp những suy tưởng hồn nhiên, dung dị, lại nhiều phần xúc động, thấu đáo về đất nước và con người mỗi địa phương. 

Triển lãm mở cửa tự do, diễn ra từ nay đến hết ngày 3-2.

Tin cùng chuyên mục