Vợ liệt sĩ thời bình

Họ là những người vợ của các liệt sĩ hy sinh trên đường cứu hộ, cứu nạn 17 công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hồi tháng 10-2020. Chồng mất rồi, giờ họ phải cứng cỏi nuôi con khôn lớn và thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già. Mỗi người vợ ấy là một câu chuyện về sự hy sinh, mất mát và cả niềm tự hào của gia đình.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm và tặng quà động viên vợ con liệt sĩ Đại úy Trương Anh Quốc (Ảnh chụp trong thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm và tặng quà động viên vợ con liệt sĩ Đại úy Trương Anh Quốc (Ảnh chụp trong thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Cứng cỏi như chồng

Trước khi chìm vào giấc ngủ, theo thói quen, 3 mẹ con chị Hoàng Thị Hạnh Phúc (vợ liệt sĩ Trần Minh Hải, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại lấy chiếc cặp của anh Hải ra và lật từng tấm ảnh, mảnh bằng của anh để nhớ về những ngày tháng cả nhà còn đủ 4 người. Chị bảo, để cho các con noi gương và có thêm động lực phấn đấu trên đường đời vì đã có người cha như thế.

“Hầu hết các tấm bằng từ THPT cho đến tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 mà anh Hải phấn đấu có được, đều đạt loại giỏi”, chị Phúc ứa nước mắt khi lật đến tấm ảnh vợ chồng hạnh phúc, chụm đầu vào con trai đầu lòng.

Kể từ ngày được Bộ Quốc phòng tuyển dụng, phong quân hàm Thượng úy và bố trí làm việc tại Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng ngày chị Phúc cũng đều có mặt tại đơn vị trước 7 giờ để giao ban và bắt đầu công việc ngày mới sau khi lo bữa sáng và đưa các con đến trường. Công việc của chị Phúc là giải quyết chế độ cho người có công, thân nhân liệt sĩ, khác hẳn với nghề kế toán chị từng làm trước đây.

Song làm việc bên đồng đội của chồng, được mọi người tận tình giúp đỡ nên chị cũng quen dần. Thỉnh thoảng, chị Phúc tranh thủ liên lạc với chị em cùng cảnh ngộ như mình để chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn. “Giờ em phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, cứng cỏi như chồng để làm trụ cột nuôi 2 con khôn lớn và thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng”, chị Phúc tâm sự.

Sẩm tối, đường rẽ vào nhà cha mẹ chị Ngô Thị Thanh Nhàn, vợ liệt sĩ Đại úy Trương Anh Quốc, sâu trong con hẻm đường Phan Bội Châu, TP Huế, chìm trong mưa. Chị Nhàn đang bày cho 2 con thơ, đứa lớn 4 tuổi, đứa gần 2 tuổi, xếp chữ với cái bóng còm cõi in trên bức tường lạnh lẽo. Đại úy Trương Anh Quốc hy sinh quá nửa năm nay, nhưng hình ảnh về anh vẫn như còn đâu đây... Mỗi lúc 2 con gái bé bỏng mắt long lanh nhắc về cha, lòng chị thắt quặn, ôm con vào lòng thương nhớ.

“Em thay chồng vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi con trưởng thành. Căn nhà cấp 4 anh Quốc xây dựng dang dở rồi ra đi mãi mãi, chưa hoàn thành nên mẹ con em xin phép nhà nội để tá túc ở nhà ngoại cho tiện việc dạy học của em tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế”, chị Nhàn tâm sự. 

Khoản tiền hỗ trợ của đơn vị và mọi người ủng hộ giúp đỡ thì chị Nhàn để dành cho 2 con, coi như là “tiết kiệm” của chồng cho con. “Hai đứa đến với nhau cũng bởi cảm mến tấm lòng. Hai bên nội ngoại đều nghèo khó nên vợ chồng phải tự lập… Thu nhập của em giờ tạm đủ để 3 mẹ con bấu víu qua ngày và cố gắng hoàn thành ngôi nhà ước mơ còn dang dở ở hẻm 79 Lê Ngô Cát, TP Huế…”, chị Nhàn chia sẻ.

Hoàn thành nhiệm vụ đồng đội

Dòng Rào Trăng những ngày trung tuần tháng 7-2021 hiền hòa, trong vắt. Thế nhưng, những ám ảnh từ vụ sạt lở kinh hoàng tại khu vực nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa nguôi ngoai với người dân vùng đất này. Cuộc tìm kiếm những nạn nhân mất tích kéo dài suốt hơn nửa năm qua, với quyết tâm cao nhất của các ngành, các cấp, vẫn chưa đạt kết quả mong đợi. 

Ở đó, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, may mắn thoát chết khi làm nhiệm vụ cùng 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hy sinh vào sáng 13-10-2020, vẫn đang chỉ đạo các lực lượng lật từng tảng đá, bới từng nấm đất giữa trời nắng nóng như đổ lửa để tìm nạn nhân. Dẫu gặp muôn trùng khó khăn, nhưng các anh đang tập trung hết mọi khả năng để thực hiện nhiệm vụ mà các liệt sĩ chưa kịp làm. Các lực lượng tìm kiếm đã kết thúc giai đoạn 6 của cuộc tìm kiếm, nhưng vẫn còn 11 trong tổng số 17 nạn nhân mất tích chưa tìm thấy.

“Các anh hy sinh để lại niềm tiếc thương và mất mát không chỉ cho gia đình mà cả đồng đội, những người yêu quý các anh. Hình ảnh các anh ngã xuống sẽ mãi nhắc nhở chúng tôi luôn hết lòng vì nước, vì dân”, Thượng tá Ngô Nam Cường nói, rồi ngược nhìn về phía rừng xanh để giấu đôi dòng lệ sắp lăn dài.

Cũng theo Thượng tá Ngô Nam Cường, Bộ Quốc phòng đã giải quyết tất cả các tâm tư, nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ một cách thấu tình đạt lý. Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng tạo điều kiện và trao quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, xếp lương, phong quân hàm cho bà Trần Thị Quảng Bình và chị Nguyên Thị Huyền Trang, là vợ và con gái liệt sĩ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, vào làm việc tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình; bà Hoàng Thị Hạnh Phúc, vợ liệt sĩ Thượng tá Trần Minh Hải, làm nhân viên chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế; bà Trương Thị Mỹ Ny, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, được tuyển dụng làm nhân viên chính sách, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện các quân nhân này đều quen dần với công việc. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng vừa khảo sát, lên phương án triển khai xây dựng bia tưởng niệm 13 liệt sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, dự kiến hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22-12-2021.

Thượng tá Lê Văn Nhung, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ, đơn vị thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ, hội viên hội phụ nữ của các cơ quan, đơn vị đến thăm, động viên, chia sẻ với thân nhân các các liệt sĩ hy sinh khi cứu nạn cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3. Các cháu, con của 4 liệt sĩ quê tại Thừa Thiên - Huế năm học vừa qua đều đạt loại giỏi.

Tin cùng chuyên mục