Vụ án Sagri: Bị cáo Lê Tấn Hùng và Trần Vĩnh Tuyến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Sau bản án sơ thẩm, có 7/19 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) kháng cáo. Trong đó, các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Lê Tấn Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TPHCM thành lập và làm chủ sở hữu. Bị cáo Lê Tấn Hùng là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn nhà nước tại SAGRI. Tuy nhiên, bị cáo đã chỉ đạo và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM), gây thất thoát đặc biệt lớn cho nhà nước.

Các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và cán bộ thuộc UBND TPHCM đã làm trái quy định về quản lý tài sản nhà nước và các quy định khác, tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng chuyển nhượng trái pháp luật dự án trên.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", tổng hợp hình phạt 25 năm tù.

Các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến; Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM cùng bị cáo khác bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Các bị cáo khác nhận từ án treo đến 20 năm tù về các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Tấn Hùng và Trần Vĩnh Tuyến cùng 3 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật, không làm oan đối với bị cáo.

Bị cáo Hồ Văn Ngon, nguyên Phó Giám đốc SAGRI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi làm đơn kháng cáo, bị cáo Ngon đã chết.

Trong khi đó, Viện KSND TPHCM cũng kháng nghị một phần bản án sơ thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế Nhà nước bị thất thoát, lãng phí đến khi thiệt hại được ngăn chặn như cáo trạng truy tố.

Tin cùng chuyên mục