Vụ đình chỉ khai thác than ở rừng Khe Tre (Quảng Nam): Vẫn “chăm chỉ” khai thác

Tình trạng xem thường pháp luật, phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, một lần nữa xảy ra khi các đơn vị khai thác than đá ở rừng Khe Tre (thuộc xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn ngày đêm cày xới núi rừng để lấy than. Người dân sống dưới chân núi kêu trời không thấu vì ô nhiễm, đất đai bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác than của các đơn vị này xảy ra ngay trong thời điểm UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định đình chỉ khai thác đối với các doanh nghiệp.
Vụ đình chỉ khai thác than ở rừng Khe Tre (Quảng Nam): Vẫn “chăm chỉ” khai thác

Tình trạng xem thường pháp luật, phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, một lần nữa xảy ra khi các đơn vị khai thác than đá ở rừng Khe Tre (thuộc xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn ngày đêm cày xới núi rừng để lấy than. Người dân sống dưới chân núi kêu trời không thấu vì ô nhiễm, đất đai bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác than của các đơn vị này xảy ra ngay trong thời điểm UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định đình chỉ khai thác đối với các doanh nghiệp.

Thách thức

Việc khai thác than đá ở rừng Khe Tre diễn ra từ giữa năm 2008 của gần 10 đơn vị có phép lẫn không phép. Việc khai thác than đá lộ thiên đã làm cho hàng chục hécta rừng Khe Tre bị băm nát, môi trường sống của hàng trăm hộ dân thuộc 2 thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước than theo mưa chảy xuống.

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã vào cuộc, kiểm tra thực tế và đầu tháng 2-2010 đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng truy quét, giải tỏa ngay các vị trí khai thác than trái phép trên địa bàn huyện Đại Lộc; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác than trái phép.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát việc cấp giấy phép khai thác than, thu hồi các giấy phép không đúng thẩm quyền, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm…

Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND huyện Đại Lộc thực hiện những công việc mà Bộ TN-MT đã đề nghị.

Không những thế, đến tháng 5-2010, UBND tỉnh Quảng Nam còn quyết định đình chỉ khai thác than ở khu vực rừng Khe Tre trong thời gian 6 tháng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đang khai thác phải hoàn thổ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường...

Thế nhưng, ngay trong ngày 22-6, chúng tôi trở lại khu vực này thì tình trạng khai thác than ở rừng Khe Tre vẫn tiếp tục diễn ra như chưa hề có chỉ đạo của Bộ TN-MT cũng như tỉnh Quảng Nam (!).

Ông Phạm Thảo, Bí thư chi bộ thôn Thạnh Đại và hàng chục người dân ở đây bức xúc: “Chúng tôi biết lãnh đạo tỉnh đã có quyết định đình chỉ, nhưng mấy chú xem đó, núi rừng vẫn bị băm nát ngày càng nghiêm trọng hơn. Đêm nào cũng có xe ủi, xe múc hoạt động rầm rầm trên đó chứ thấy họ (những đơn vị khai thác than - PV) nghỉ ngày nào đâu. Xe chở than từ trên đỉnh núi xuống vẫn tiếp tục nối đuôi nhau chạy rầm rầm. Không hiểu lãnh đạo huyện, xã ở đâu mà không thấy việc này?”.

Ruộng lúa của người dân phải bỏ hoang vì đất đá, than theo mưa dông tràn xuống lấp hết khi vừa gieo sạ.

Ruộng lúa của người dân phải bỏ hoang vì đất đá, than theo mưa dông tràn xuống lấp hết khi vừa gieo sạ.

Làm ngơ

Bức xúc của người dân lên đỉnh điểm khi mà trong đợt mưa dông từ ngày 3 đến ngày 8-6 làm một lượng lớn đất đá, than và bùn đổ xuống ruộng lúa của người dân vừa gieo sạ. Có 4,5 ha ruộng bị bồi lấp, mất trắng hoàn toàn và không thể khôi phục lại được.

Bà Trương Thị Nga (tổ 1, thôn Thạnh Đại), người đã gặp chúng tôi lần thứ 3, nước mắt lưng tròng: “Thế là hết! Cái đói nắm chắc trong tay rồi. Gia đình 5 nhân khẩu chỉ có 2 sào ruộng mà bị lấp hết thì lấy gì mà sống!”.

Cũng trong đợt mưa dông vừa qua, than đá do các đơn vị khai thác trên đỉnh núi Khe Tre theo dòng nước đổ xuống đen ngòm. Cá ở các ao hồ, kể cả trên sông Côn chết nổi trắng cả một vùng. Người dân phải đi vớt từng con đem chôn vì sợ nắng nóng, xác cá phân hủy càng gây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Ông Phạm Văn Trọng, Trưởng thôn Thạnh Đại, bức xúc: “Nói không quá chứ dân chịu không thấu rồi. Báo chí các anh lên tiếng, cũng thấy đoàn này, đoàn kia về kiểm tra, mấy đơn vị khai thác than nghỉ được một hai hôm thì đâu lại vào đấy. Cả ngọn núi bị băm nát hết trơn. Rồi mùa mưa bão sắp đến, không những dân tui gánh chịu mà dân vùng hạ lưu cũng không tránh khỏi ô nhiễm do than đá”.

Đem bức xúc của người dân đặt lên bàn ông Phạm Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, ông cho biết: Huyện giao cho xã phối hợp với Phòng TN-MT huyện giám sát không cho các đơn vị khai thác trong thời gian đình chỉ.

Thế nhưng, các đơn vị lén lút khai thác, vận chuyển than vào ban đêm nên không phát hiện được. Không những thế, ông Thịnh còn viện cớ rằng: “Do xã không có chuyên môn, không có phương tiện kỹ thuật nên việc giám sát không thể thực hiện được (!?)”. Điều này thật vô lý, bởi việc giám sát, không cho các đơn vị tiếp tục khai thác thì cần gì đến thiết bị, kỹ thuật, nếu không muốn nói là xã, cũng có thể huyện cũng làm ngơ vì không có bộ phận chức năng nào kiểm soát lệnh cấm của tỉnh tại thực địa.

Phải chăng quyết định, chỉ đạo của cấp trên đã bị cấp dưới xem thường, nói cách khác: “trên bảo dưới chẳng buồn nghe”? 

NGUYỄN HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Trở lại vụ “bức tử” rừng ở Quảng Nam: Có bao che phá rừng?

>> Phá rừng có... giấy phép?

>> “Bức tử” rừng để lấy than

Tin cùng chuyên mục