(SGGP).- Ngày 4-3, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký văn bản gửi Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) về việc trao đổi giải quyết vụ nhập 18 tấn hạt cây anh túc đang bị thu giữ tại kho ngoại quan Cảng Sài Gòn khu vực 2, TPHCM.
Theo đó, sau khi nghiên cứu kết luận giám định của Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, lời khai của ông Aswani Haresh Chhalaram (Giám đốc Công ty TNHH Kdy Pte, trụ sở tại Singapore) về lô hàng 18 tấn hạt cây anh túc nhập về Cảng Sài Gòn khu vực 2. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận: Theo luật pháp và công ước quốc tế về các chất ma túy năm 1961 của Liên hiệp quốc chỉ quy định “thân cành cây anh túc là các thành phần của cây thuốc phiện (trừ hạt) sau khi cắt khỏi gốc”.
Và trong Điều 194 của Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng chỉ quy định đối tượng phạm tội khi tàng trữ, vận chuyển mua bán quả thuốc phiện (khô hoặc tươi). Đối chiếu các quy định trên, các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán hạt cây anh túc không phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra làm rõ nguồn gốc, xuất xứ và việc nhập khẩu của lô hàng 18 tấn hạt anh túc vào Việt Nam có đúng quy định của hải quan không? Trong trường hợp xác định được việc nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, cần điều tra xác định giá trị của lô hàng để có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về các tội buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Trước đó, ngày 13-10-2008, một công ty có trụ sở tại Singapore đã mở tờ khai nhập lô hàng 18 tấn hạt thực vật để sản xuất thực phẩm, theo dạng tạm nhập vào kho ngoại quan Cảng Sài Gòn khu vực 2 để xuất khẩu đi nước thứ 3. Do nghi vấn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng khu vực 2 (Cục Hải quan TPHCM) đã kiểm tra lô hàng, phát hiện 18 tấn là hạt cây anh túc.
Theo Cục Hải quan TPHCM, hạt cây anh túc không có trong danh mục hạt giống cây nông nghiệp, nhưng cũng không nằm trong danh mục các mặt hàng cấm nhập vào Việt Nam, nên rất khó xử lý vì hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Mặc dù trước đó, theo kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM (Bộ Công an) xác định lô hàng 18 tấn hạt anh túc là hạt cây thuốc phiện, không chứa chất gây nghiện, nhưng hạt anh túc có thể gieo trồng nảy mầm thành cây thuốc phiện, trong khi loại cây này cấm trồng tại Việt Nam.
Do sự việc phức tạp, Cục Hải quan TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng bàn biện pháp xử lý, nhưng vẫn không đưa ra được hướng thống nhất xử lý lô hàng.
Cục Hải quan TP đã đề xuất Tổng Cục Hải quan xem xét theo hướng xử lý là buộc tiêu hủy hoặc tái xuất sau khi đã sấy khô ở nhiệt độ cao, ngăn ngừa khả năng hạt anh túc, có thể gieo trồng được… Nhưng đến nay, Tổng Cục Hải quan vẫn chưa đưa ra được kết quả xử lý cuối cùng đối với lô hàng 18 tấn hạt anh túc. Hải quan TP vẫn đang giám sát chặt chẽ lô hàng, chờ hướng dẫn xử lý từ Tổng cục Hải quan.
L.LONG
- Thông tin liên quan:
>> Vụ nhập 18 tấn hạt anh túc tại Cảng khu vực 2, TPHCM vẫn chưa xử lý được
>> Vụ lô hạt anh túc nhập khẩu buộc tiêu hủy hoặc tái xuất