Theo tuyên bố của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, hội nghị sẽ tập trung vào các nỗ lực tăng cường mối quan hệ đối tác này trên nhiều lĩnh vực thương mại, y tế, an ninh, hậu quả của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đối với châu Phi và nhiều vấn đề khác.
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ bổ sung Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên thường trực của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm trao cơ hội cho các quốc gia ở châu lục này có nhiều tiếng nói hơn trong các cuộc đối thoại quốc tế, tham gia sâu hơn vào nhiều vấn đề chung của toàn cầu. G20 hiện chỉ có nước châu Phi duy nhất là Nam Phi, trong khi AU có tới 55 quốc gia thành viên.
Theo giới quan sát khu vực, kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ đã nhiều lần đưa ra sáng kiến, chiến lược đối với châu Phi nhưng sự quan tâm và nỗ lực của Mỹ dành cho châu Phi vẫn chưa đủ để có thể gây dựng một tầm ảnh hưởng đáng kể. Trong lĩnh vực thương mại, năm 2021, tổng giá trị thương mại của Mỹ với châu Phi đạt khoảng 58 tỷ USD, chưa bằng 1/4 so với con số 251 tỷ USD của Trung Quốc. Các cam kết của Washington đối với lục địa này được cho là còn khá khiêm tốn trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhất là cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường quốc đang ngày càng khốc liệt, dẫn tới việc các nước châu Phi có sự lựa chọn phe trục khác nhau.
Việc Tổng thống Joe Biden tiếp đón hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington trong tuần này là cơ hội nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách niềm tin với châu Phi. Hơn bao giờ hết, châu Phi đang kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra một số cam kết mạnh mẽ hơn, bao gồm thông báo về chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực châu Phi cận Sahara, nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của lục địa đen thông qua đầu tư và thương mại của khu vực tư nhân.