Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Triệt tiêu lợi thế vì giẫm chân nhau

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung được xem là “mặt tiền” của cả nước trong quan hệ kinh tế toàn cầu. Song thực tế, một vòng luẩn quẩn lại đang hình thành tại vùng kinh tế nhiều lợi thế và giàu tiềm năng này, khi càng phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán...
Nhà máy lọc dầu Dung Quất xây dựng trong KKT Dung Quất với hệ thống cảng biển nước sâu và vịnh kín gió đã tạo nên một vị trí chiến lược trong Vùng KTTĐ miền Trung
Nhà máy lọc dầu Dung Quất xây dựng trong KKT Dung Quất với hệ thống cảng biển nước sâu và vịnh kín gió đã tạo nên một vị trí chiến lược trong Vùng KTTĐ miền Trung
Na ná nhau
Vùng KTTĐ miền Trung gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà Nẵng là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiềm lực và sức mạnh Vùng KTTĐ miền Trung còn nhờ một phần vào sự ưu ái của Trung ương về đầu tư và chính sách phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp. 
Vào năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, đồng thời là động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Hàng loạt khu kinh tế (KKT) ven biển tại đây lần lượt được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội cùng 19 khu công nghiệp (KCN) với những ưu đãi vượt trội. Khó nơi nào có mật độ cảng biển nước sâu lại san sát như ở đây. Chưa hết, trừ Quảng Ngãi phải “dùng nhờ” sân bay Chu Lai của Quảng Nam thì tỉnh, thành nào cũng có sân bay riêng… Thế nhưng, sau 10 năm thành lập Vùng KTTĐ miền Trung, các KKT và KCN vẫn chưa tạo đột phá trong phát triển so với lợi thế và tiềm năng.
Đầu tháng 5-2018, tại hội nghị “Liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng KTTĐ miền Trung”, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cho rằng, tiềm năng và lợi thế giống nhau nên Vùng KTTĐ miền Trung có sự phát triển kinh tế na ná nhau. Vì giống nhau nhiều thứ nên tỉnh, thành nào cũng ra sức tiếp thị, quảng bá hình ảnh của mình và “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư với những chủ trương, chính sách, cơ chế riêng của địa phương, như hạ giá đất cho thuê, kéo dài thời hạn nộp thuế... Chính sự giẫm chân nhau đó đã triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc hướng đi trong khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong vùng. 
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thẳng thắn nói, các KKT, KCN trong vùng tính đến cuối năm 2016 mới thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng. Nhưng phần lớn lại thu hút các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều năng lượng, ít công nghệ cao như dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản... làm cho chất lượng và tốc độ phát triển các KKT, KCN của vùng không cao. 
Còn theo Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), mục tiêu thu hút vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI của các KCN ở Vùng KTTĐ miền Trung chưa đạt như kỳ vọng. Đà Nẵng có số dự án FDI cao nhất với 384 dự án, Bình Định 224 dự án, thấp nhất là Thừa Thiên - Huế với 85 dự án. Sự chênh lệch này dẫn đến chênh lệch số vốn đầu tư, thu hút lao động, phát triển cơ sở hạ tầng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.
“Chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh, thành chưa có gì vượt trội.Công tác quản lý KKT, KCN gặp nhiều khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Thiếu gắn kết và hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong vùng. Chưa hết, còn tình trạng tranh giành tài nguyên, đùn đẩy trong xử lý ô nhiễm môi trường…”, Tiến sĩ Dương Đình Giám lo ngại.
Nhà đầu tư phải chọn mình
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, Vùng KTTĐ miền Trung phát triển cần phải đảo ngược tư duy. Mỗi địa phương phải chọn cho mình một chiến lược phát triển, phải để nhà đầu tư chọn mình chứ mình đừng chọn nhà đầu tư. Muốn vậy, các địa phương phải chọn cho mình một thế mạnh riêng chứ không cạnh tranh theo kiểu bên được bên mất. Phải tuân thủ 2 nguyên tắc chung, là phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường và tận dụng lợi thế để tạo ra lợi thế. Chẳng hạn, Thừa Thiên - Huế có tiềm năng về du lịch…
Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ cho rằng, để phát huy tiềm năng và liên kết phát triển vùng, phải có cơ chế điều phối, quản trị vùng; xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương. Mặt khác, tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, như xây dựng các con đường ven biển, mở rộng các sân bay và các tuyến đường cao tốc.
Ngoài ra, còn có lợi thế là trung tâm y tế chuyên sâu, cần tăng cường thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng… Bình Định và Quảng Ngãi cần tập trung nhiều hơn vào sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng.
Tiến sĩ Dương Đình Giám gợi mở: “Vấn đề cốt lõi là rà soát chức năng các KKT trong vùng để điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh phát triển mới, đồng thời giảm bớt quy hoạch treo, góp phần ổn định cuộc sống của cư dân trong vùng. Mặt khác, cần tăng cường liên kết để bổ trợ cho nhau và tận dụng quy mô của thị trường, chú trọng phát triển các KKT được lựa chọn theo hướng liên kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”.

Tin cùng chuyên mục