Vững vàng vượt thách thức

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn một thập niên trở lại đây và trở thành một trong những điểm sáng về tốc độ tăng trưởng của khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.

Những kết quả này đạt được trong một bối cảnh hết sức khó khăn khi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. Dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, đã khiến ngân hàng trung ương một loạt nước nâng mạnh lãi suất. Điều này đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.

Việc các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam - không phải là tin tốt đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam. Tăng trưởng suy giảm sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tổng cầu đối với hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, lượng khách du lịch tới nước ta từ các nền kinh tế này. Bên cạnh đó, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ thêm những điểm yếu của nội tại nền kinh tế và của doanh nghiệp. Sự suy giảm lòng tin đối với thị trường trái phiếu đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, ảnh hưởng tới toàn thị trường nói chung. Dư âm của những tác động này chắc chắn sẽ vẫn còn cảm nhận được trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, sự ổn định về kinh tế vĩ mô với các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, nợ công trong tầm kiểm soát sẽ tạo nền tảng và dư địa chắc chắn cho các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2023; góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nền kinh tế là điểm tựa quan trọng và cần được nuôi dưỡng, biến thành nội lực quan trọng để Việt Nam hóa giải những khó khăn đến từ nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2022, Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 700 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng cũng đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, với tốc độ tăng xấp xỉ 20%. Điều này cho thấy, thị trường trong nước đã dần thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Cùng với các con số này, chi tiêu Chính phủ dự báo sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm 2023. Nếu tiếp tục được nhịp độ xuất nhập khẩu, tăng tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh vốn đầu tư công, tổng cầu của nền kinh tế sẽ được duy trì mạnh mẽ trong năm 2023 và hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu tăng trưởng.

Năng lực xoay xở, thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam cũng là niềm hy vọng đối với nền kinh tế trong năm 2023. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cũng như những biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và thể hiện năng lực vượt trội trong đáp ứng các yêu cầu của cả thị trường trong nước và toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức được kỳ vọng sẽ thảo luận và đề xuất những giải pháp, quyết sách nhằm hiện thực hóa các cơ hội để nền kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức trong năm 2023. Hơn lúc nào hết, Việt Nam rất cần những chính sách và hành động để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, từ đó tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, nền kinh tế, tạo dựng một không khí hăng say khởi nghiệp, nhiệt huyết kinh doanh, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau vượt khó của cả cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế. Niềm tin và nội lực sẽ là những yếu tố quan trọng để Việt Nam vượt qua những thách thức kinh tế trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục