Vượt qua thách thức kép

Đề nghị xây dựng luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) có thể sẽ được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 sắp khai mạc, khi nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tỏ ra rất sốt ruột đối với sự ì ạch về tiến độ và bất cập về chất lượng của tiến trình CPH.

Sau 23 năm, kể từ khi bắt đầu triển khai Quyết định 202-CT ngày 8-6-1992 về CPH DNNN đến nay, tiến trình CPH đang bước vào giai đoạn “nước rút”. Theo TS Trần Tiến Cường, số doanh nghiệp (DN) đã chuyển thành các công ty cổ phần trên 4.100 DNNN; tiến độ qua từng thời kỳ nhanh chậm khác nhau. Số DNNN còn lại cần hoàn thành CPH trong năm 2015 là 289 DN; quá lớn khi so sánh với số DN CPH bình quân 1 năm các giai đoạn trước (giai đoạn 2011-2012, 2011-2013, 2011-2014 lần lượt là 12 DN, 33 DN, 60 DN). Riêng quý 1-2015 đã hoàn thành CPH được 27 DN, như vậy sẽ còn 262 DN cần CPH trong năm 2015 và lại là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty có quy mô rất lớn. Đây rõ ràng là một thách thức kép: vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch, vừa phải đảm bảo chất lượng CPH, đặc biệt là phải tạo ra được động lực phát triển mới nhờ đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Trong số các nguyên nhân hạn chế kết quả CPH, các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, CPH trước nay được tiến hành theo phương châm “buông nhỏ, giữ lớn”, nghĩa là lựa chọn DNNN quy mô nhỏ để làm trước, nhằm giảm mạnh số lượng DN. Trong khi đó, việc CPH các DNNN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty khó tiến hành hơn nhiều, vì buộc phải tái cơ cấu lại trước khi CPH.

Đáng nói hơn, khi xét được hiệu quả thực sự của CPH, hiện tiến trình này cũng thường đi theo con đường dễ hơn (chỉ CPH các DN thành viên để chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con) mà ít khi triệt để tiến hành với toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Cách làm kiểu “dễ làm khó để” này chỉ tạo ra thay đổi ở công ty con, cháu, công ty liên kết, chưa “đụng” đến công ty mẹ; nên cũng không tạo được chuyển biến mạnh mẽ cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Vì lẽ đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề xuất không nên chạy theo tiến độ CPH bằng mọi giá; đồng thời xúc tiến luật hóa quy trình này - có thể theo thủ tục rút gọn - để đảm bảo chất lượng CPH, bảo đảm Quốc hội kiểm soát được nguồn vốn rất lớn của nhà nước, không để xảy ra thất thoát hoặc sử dụng tùy tiện.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Mão cho biết, do CPH DNNN là vấn đề lớn, làm thay đổi sở hữu nhà nước tại DNNN, thay đổi vị trí của kinh tế nhà nước trong phạm vi ngành và nền kinh tế; nên ở nhiều nước, việc tăng, giảm vốn nhà nước vượt quá hoặc thấp dưới tỷ lệ tối thiểu phải do Quốc hội quy định và phê chuẩn (Thụy Điển, Phần Lan). Pháp thì ban hành đạo luật tạo khung khổ chung cho các hoạt động tư nhân hóa và quy định quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các hoạt động tư nhân hóa DNNN… Trong khi đó, ở nước ta trong hơn 20 năm qua, CPH chỉ thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành), chưa có đạo luật quy định khung hay quy định chi tiết về CPH DNNN. Ngược lại, việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý DNNN hay DN có vốn nhà nước thì đã được quy định trong một số luật ban hành kể cả trước kia và gần đây nhất là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (năm 2014); việc tổ chức, quản lý DN 100% vốn nhà nước - trong Luật DNNN (năm 1995, 2003), Luật DN (năm 1999, 2005, 2014)…

Ban hành luật về CPH DNNN thực sự là một đề nghị có cơ sở; tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho CPH những DN quy mô lớn, các DN quan trọng, DN trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục