Cụ thể, một nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra khoảng 600 - 700 tỷ đồng để xây dựng hệ thống truyền tải và sẽ bàn giao lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi xây xong
Sau khi nhận được kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận, Cục Điện lực - Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã lên kế hoạch họp cùng với EVN và nhà đầu tư để làm rõ phương án, giải pháp đầu tư. Tuy nhiên, vướng mắc mấu chốt hiện nay nằm ở quy định trong Luật Điện lực.
Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”, trong khi hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “hoạt động truyền tải” là bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải, hay chỉ bao gồm hoạt động quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải.
Theo TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, với tình hình hiện nay, Nhà nước vẫn nên tập trung vào đầu tư hệ thống xương sống, hệ thống lưới điện cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Còn những đường dây nhánh đưa điện từ nhà máy của các nhà đầu tư thì nên để cho họ thực hiện.
Điều quan trọng là phải định nghĩa rõ lưới truyền tải điện quốc gia và lưới truyền tải, để nếu có xảy ra sự cố tại lưới truyền tải của nhà đầu tư thì không ảnh hưởng đến việc quản lý vận hành và an ninh năng lượng của cả quốc gia.
Nghĩa là, việc xã hội hóa chỉ nên xác định trong một giới hạn nhất định, để đảm bảo sao cho việc vận hành của nó không làm ảnh hưởng tới lưới điện quốc gia, không thể làm tan rã lưới hệ thống. Làm được điều đó sẽ đáp ứng tiêu chí an ninh mà vẫn huy động được các nguồn lực trong xã hội. Riêng lưới truyền tải điện quốc gia không nên xã hội hóa, để đảm bảo an ninh năng lượng.