Xã hội hóa văn hóa nghệ thuật ở TPHCM: Còn nhiều nỗi âu lo


Xã hội hóa (XHH) văn hóa nghệ thuật (VHNT) ở TPHCM có tốc độ khá nhanh nhưng vẫn còn đó những vấn đề trầm kha. Ngoài sự thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về VHNT, còn có sự dễ dãi, thiếu chiều sâu của chính các đơn vị tham gia công tác XHH.
Khán giả luôn trông chờ những sản phẩm VHNT chỉn chu từ hoạt động XHH (Buổi ra mắt phim Ròm tại TPHCM vào tháng 9-2020)
Khán giả luôn trông chờ những sản phẩm VHNT chỉn chu từ hoạt động XHH (Buổi ra mắt phim Ròm tại TPHCM vào tháng 9-2020)

Khoảng trống văn hóa cơ sở

“Khó lắm, Trung tâm văn hóa (TTVH) chưa làm được. Kinh phí của mình không đủ, không đảm bảo, thế nhưng để kêu gọi XHH các nguồn lực bên ngoài nhằm nâng chất thì… chịu”, Trưởng phòng VHTT quận 8 Trần Thị Thu Trang thẳng thắn chia sẻ. 

Bà Thu Trang cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 6 TTVH - thể thao phường và mỗi năm, quận trang bị ngân sách là 100 triệu đồng/đơn vị, số tiền không thấm vào đâu.

“Có nhiều hoạt động mình muốn mời gọi XHH mà theo quy chế hiện nay rất khó. Đó là chủ nhiệm mỗi dự án phải là phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã, phó chủ nhiệm phải là cán bộ văn hóa và thông tin; trong khi cán bộ phụ trách TTVH - thể thao không là công chức nên việc mời gọi các đơn vị, tư nhân đầu tư thể thao địa phương rất khó. Hơn nữa, cũng không đủ nhân sự. Nếu bây giờ theo đề án, cơ chế thì phải là người của Nhà nước đứng ra tổ chức, triển khai các hoạt động thì mới làm được”. 

"Ngày xưa, tại TPHCM có hơn 60 nhà hát, riêng trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 và quận 5) có đến 20 nhà hát. Có một thời gian, kịch sáng đèn hàng đêm, chính là nhờ xã hội hóa" - Đạo diễn Hoàng Duẩn

Thực tế, không chỉ riêng quận 8 mà phần lớn 24 TTVH quận, huyện tại TPHCM gần như bất lực trong công tác kêu gọi XHH. Ngoài quận Thủ Đức, quận 1, quận 5, quận 10 thì không còn TTVH nào làm được điều này. Bởi lẽ, tổ chức XHH tại TTVH thường buộc các đơn vị đầu tư bên ngoài phải tổ chức công việc liên quan tới văn hóa. Nếu như mở nhà sách, tổ chức hát với nhau thì chỉ có buổi tối. Còn cho thuê mặt bằng quảng cáo, chưa chắc đơn vị bên ngoài chịu, bởi ai chịu quảng cáo ở TTVH - nơi chưa chắc đã nằm mặt tiền. Đầu tư rạp chiếu phim chắc chắn là lỗ, vì không ai tới coi. Nếu mở quán cà phê, cho thuê mặt bằng tổ chức đám cưới lại sai công năng. Thực tế nhiều cơ sở vật chất, không gian trong TTVH bỏ không, có chỗ hàng ngày phơi nắng phơi gió... Đến TTVH TPHCM cũng không thể thực hiện XHH mà chỉ thực hiện chương trình hàng năm theo kế hoạch từ Sở VH-TT TPHCM.

Thiếu hỗ trợ, quan tâm 

Khó khăn lớn nhất của công tác XHH là cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ chuẩn, phải thuê mướn chỗ này chỗ kia, những ưu đãi không đủ lớn để duy trì sự phát triển của nghệ thuật. Không ít nhà hát nhà nước bỏ không, sân khấu kịch chạy lòng vòng, nay chỗ này, mai chỗ khác. Thực tế, những sân khấu được XHH trước đây như Sân khấu Trống Đồng, Sân khấu 126 đều đã đóng cửa. 

TPHCM từng có một giai đoạn phát triển kịch nói mạnh mẽ, hơn cả Hà Nội (dù TPHCM là cái nôi của sân khấu cải lương). Tuy nhiên, sau một thời huy hoàng, mô hình kịch XHH yếu dần và sa sút. Trước tiên là sự chia sẻ thị phần khán giả rất lớn của các loại hình giải trí trên truyền hình, phim ảnh, khu vui chơi công nghệ cao; kế đó là việc tìm kiếm tác phẩm sân khấu chất lượng, hợp thời để dựng. Mặt khác, cái khó lớn là tìm địa điểm biểu diễn phù hợp, từ mặt bằng, nội thất sân khấu, chỗ gửi xe cho khán giả. Các sân khấu hiện đang sáng đèn đa số là hội trường các TTVH, sân khấu của trường học, viện văn hóa... 

NSND Hồng Vân chia sẻ rất nhiều lần: “Đó là nỗi khổ nói hoài của những nghệ sĩ còn bám trụ với nghề mà chưa được cơ quan quản lý văn hóa quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ”. Trong khi đó, nghệ sĩ - đạo diễn Ái Như lo lắng: “Ví như mở một quán ăn có làm ăn được hay không, lời hay lỗ thì chủ quán tự chịu; trong khi, mở một nhà hát để trao gửi món ăn tinh thần cho xã hội, lời lỗ cũng phải tự chịu, không ai quan tâm...”.

Lĩnh vực bảo tàng cũng có hoàn cảnh tương tự. Vị trí của 2 bảo tàng tư nhân là Bảo tàng Sâm Ngọc Linh và Bảo tàng Áo dài đều cách xa trung tâm thành phố. Đây là điều vừa thuận lợi và cũng bất lợi cho các bảo tàng trong việc đón khách. Bởi tâm lý ngại đi xa, ngại di chuyển, nhiều khách sẽ chọn các bảo tàng có vị trí gần hơn. Giám đốc Bảo tàng Sâm Ngọc Linh Nguyễn Tấn Việt nhìn nhận: “Vì bảo tàng khá xa trung tâm, nên tôi phải liên kết nhiều với các công ty du lịch, lữ hành để thu hút khách tham quan. Tôi cố gắng xây dựng không gian trưng bày hiện đại, đẹp mắt, để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, để người ta thấy không uổng phí khi bỏ công đến với không gian của mình. Từ lúc khánh thành đến nay, bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách tham quan, chuyện bán vé là bài toán tôi cũng nghĩ đến trong tương lai, nhưng hiện tại thì vẫn chưa, chỉ cố gắng duy trì tốt các hoạt động để thu hút khách”.

Nỗi lo hậu xã hội hóa

Cái lợi của XHH các chương trình giải trí là phát hiện thêm nhiều nghệ sĩ có tố chất; nhưng ngược lại, sự dễ dãi của các gameshow cũng đã đưa lên sàn diễn kịch chuyên nghiệp, ca múa nhạc chuyên nghiệp, phim ảnh… những nghệ sĩ chưa đúng chuẩn. “XHH mà, họ bỏ tiền ra sản xuất, họ làm chủ thì họ đóng vai chính. Nhiều người bỏ tiền vào tham gia sản xuất, đóng vai chính luôn, trong khi họ chưa phải là nghệ sĩ thực sự. Đó là XHH một cách buông tuồng, đơn giản, xem thường nghệ thuật, chỉ cần bỏ tiền vô là có vai diễn trong các vở kịch, bộ phim, các chương trình ca nhạc. XHH bây giờ nhìn ở góc hơi khắt khe là ai muốn làm gì thì làm; việc định hướng, vai trò quản lý của Nhà nước sẽ rất khó khăn”, đạo diễn Hoàng Duẩn trăn trở.

XHH nảy sinh nhiều tồn tại trong quá trình phát triển ở cả lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình. Trên màn ảnh nhỏ, sau giai đoạn hoàng kim 2010-2012, nhà nhà đổ xô làm phim truyền hình, số lượng thì tăng nhưng chất lượng tỷ lệ nghịch. Thậm chí, nhiều phim làm hời hợt, cẩu thả, lộ rõ sự nghiệp dư trong tất cả các khâu. Hệ quả là giai đoạn 2015-2017, phim truyền hình rơi vào thoái trào, mất niềm tin nơi khán giả. Bản thân bức tranh gameshow, truyền hình thực tế cũng bị bão hòa với nhan nhản những cuộc thi ca hát, tấu hài… “Điện ảnh Việt bùng nổ với vài chục phim ra mắt mỗi năm, nhưng hầu hết đều là dòng phim thương mại. Rất ít phim tạo được màu sắc độc đáo”, khán giả Hương Nhu (43 tuổi, quận 4) nhận xét.  

Nguyên nhân do tiêu chí đầu tư của nhiều đơn vị là đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu nên quá trình sản xuất đôi khi bị rút ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng phim. Nhiều phim quay đơn giản, chóng vánh, hời hợt và không trau chuốt. Khâu xây dựng kịch bản không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tính giáo dục, nhân văn bị xem nhẹ, chủ yếu tập trung vào những đề tài mang tính xu hướng nhất thời, chạy theo thị hiếu khán giả, câu khách, lạm dụng Việt hóa. Biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ, thị trường điện ảnh những năm gần đây vắng bóng phim nhà nước, để mặc tư nhân thao túng, chạy theo lợi nhuận, bỏ qua vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt tại TPHCM, hậu XHH, không còn rạp chiếu phim nhà nước. Chủ sở hữu đều là các đơn vị tư nhân, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm thế thượng phong. 

Rõ ràng, XHH VHNT ở TPHCM có tốc độ khá nhanh nhưng vẫn còn đó những vấn đề trầm kha. Ngoài sự thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về VHNT, còn có sự dễ dãi, thiếu chiều sâu của chính các đơn vị tham gia công tác XHH.

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: 

Đầu tư cho nghệ thuật không bao giờ lỗ

Trong văn hóa, cái vốn, cái lãi không bao giờ nằm ở chỗ đầu tư 1 tỷ đồng, thu lại 1,1 tỷ đồng; không phải đầu tư trong 1 năm thì phải lấy lại liền vốn trong năm đó. Cái lãi của văn hóa nhiều lắm, là một giá trị vừa hữu hình vừa vô hình. Cái vô hình là thứ được chuyển vào đôi mắt, trái tim của người thưởng thức, tạo ra những suy nghĩ, cảm xúc đặc biệt. Khán giả xem xong một chương trình nghệ thuật hay, người ta cứ nhớ mãi và cứ muốn làm theo những điều tốt đẹp của vở kịch, bộ phim, ca khúc đó. Đừng bao giờ đòi hỏi đầu tư cho văn hóa là phải lấy lại ngay, mà phải lâu dài và phải biết cách kéo dài. 

Việc của nghệ sĩ là biểu diễn, sáng tác. Nếu không làm những việc đó thì họ không còn là nghệ sĩ nữa. Ấy thế mà, cứ mỗi năm, sân khấu, nhà hát lại tắt đèn bớt đi. Điều này về lâu dài sẽ trở thành thói quen, tạo thành sự bức bối cho nghệ sĩ, năng lực sáng tạo gần như bị thui chột và nghệ thuật bị đứt đoạn. Theo tôi, người làm quản lý văn hóa phải luôn biết sợ điều này, bởi đến một lúc nào đó, người ta không hát được nữa, không múa được nữa, không biên đạo, không sáng tác được nữa vì người ta không có động lực. 

Làm nghệ thuật không nhất thiết phải có sân khấu quá hoành tráng, nhưng nhất định phải có sân khấu đạt chuẩn. Nếu cứ lo xây cầu, xây đường, xây trường mà bỏ quên các thiết chế văn hóa, các nhà hát là một thiếu sót vô cùng lớn. Phải biết trân trọng nguồn lực xã hội của tư nhân.

Tin cùng chuyên mục