Phát hành 3 game online bắn súng: Bạo lực hay “thể thao điện tử”?

Bắn, giết dưới góc nhìn người thứ nhất
Phát hành 3 game online bắn súng: Bạo lực hay “thể thao điện tử”?

Đầu năm 2008, thị trường Game Online (GO) Việt Nam chợt sôi động hẳn lên với “cuộc chiến” của đồng thời 3 GO mới được FPT Online, Vina Game và VTC Game tung ra giới thiệu: Special Force, Sudden Attack và Cross Fire. Cả 3 GO này đều có một điểm rất chung: GO nhập vai trực tuyến bắn súng dưới góc nhìn người thứ nhất. Mô tả một cách đơn giản, đó là GO mà người chơi vào vai một tên khủng bố hoặc cảnh sát, và bắt đầu bắn, giết!

Bắn, giết dưới góc nhìn người thứ nhất

Phát hành 3 game online bắn súng: Bạo lực hay “thể thao điện tử”? ảnh 1

Diễu hành qua các trường học trên xe jeep với súng và trang phục chiến đấu để quảng cáo game bạo lực (ảnh chụp ngày 9-3 ở khu cư xá Bắc Hải, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo giới am hiểu, dù là 3 GO khác nhau, được phát hành bởi 3 đơn vị khác nhau, nhưng các GO này còn giống nhau hơn “anh em một nhà”.

Các kiểu chơi trong 3 GO này đều là người chơi nhập vai thành 1 tên khủng bố hoặc cảnh sát, tham gia chiến đấu trong 1 nhóm, hoặc bắn nhau tự do với 15 người chơi đơn lẻ khác.

Nếu bắn giết được càng nhiều, triệt hạ được càng nhiều, thì người chơi sẽ được “thăng cấp”, có tiền mua nhiều trang bị tối tân hơn.

“Với Special Force, người chơi được tiếp cận với những loại vũ khí hiện đại nhất như súng trường, tiểu liên, bắn tỉa, súng ngắn, côn xoay, lựu đạn và shotgun. Để chơi, bạn cần trả tiền để có súng và giáp từ một cửa hàng trước mỗi trận đánh”, một bài giới thiệu về GO do FPT phát hành này viết.

Việc nhập vai vào 1 tên khủng bố hay viên cảnh sát ở 3 game này được mô tả là “thật như… thật”. Với “góc nhìn người thứ nhất”, người chơi như thâm nhập hẳn vào trò chơi, nhìn từ đôi mắt của tên khủng bố, hay nhìn từ đôi mắt của viên cảnh sát diệt khủng bố trong trò chơi bắn giết này.

Tất nhiên, với hàng loạt loại vũ khí có trong thực tế khác nhau được bày bán trong trò chơi, việc sử dụng dao găm thế nào, dùng lực đạn ra sao, hay xài loại súng nào cho thích hợp được coi như “kỹ năng cơ bản” của người chơi. Tất nhiên, với công nghệ hiện đại và đồ họa “như thật”, một viên đạn bắn gần hay một nhát dao găm chí mạng sẽ làm đối thủ máu văng tung tóe, thân người giật nảy lên, giãy giụa…

“Bên cạnh phần hình ảnh ấn tượng, gameplay cũng là một nét nổi trội của Biệt Đội Thần Tốc (Sudden Attack), cảm giác bắn khi lia một khẩu AK-47 phải nói là rất đã tay. Độ giật của súng không cao lắm, điều này sẽ giúp cho các bạn lần đầu tiên bước vào thế giới FPS dễ dàng nhập cuộc hơn, và headshot (bắn vào đầu đối phương, 1 viên lấy mạng) cũng dễ thực hiện hơn”, một bài giới thiệu công phu về GO sắp được VinaGame tung ra trên thị trường Việt Nam viết.

Cho trẻ thực tập bắn giết?

Phát hành 3 game online bắn súng: Bạo lực hay “thể thao điện tử”? ảnh 2

Trẻ em ở cư xá Bắc Hải đang được tập bắn súng trong buổi ra mắt game Special Force ngày 9-3. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tại một số quốc gia mà các GO này đã được phát hành, 3 GO này được mô tả như một dạng “thể thao điện tử”. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh GO đã tổ chức các cuộc thi cho các game thủ bắn giỏi, giết giỏi và coi đó như là một dạng thi đấu bắn súng trong các kỳ đại hội thể thao! Và khi phát hành tại Việt Nam, các GO này cũng được quảng bá như là những GO nhằm khai phá, xâm nhập vào các giải đấu “thể thao điện tử” này.

Tuy nhiên, ngay cả với nhiều người chơi GO, mỹ từ này cũng không thể che giấu được nội dung bạo lực và một số tác động đáng sợ mà GO này có thể mang đến cho giới trẻ Việt Nam.

Một game thủ có nickname là “Bống” viết trên diễn đàn game thủ: “Trước, các trò chơi điện tử như CounterStrike hoành hành trong các phòng Internet. Nay FPT rồi VinaGame, VTC sẽ tích cực quảng bá những trò chơi trực tuyến để người chơi nhập vai sát nhân, biết cầm súng như thế nào, bắn thế nào để giết người. May mà đất nước này cấm bán súng đạn, nhưng chắc gì không có những kẽ hở để súng đạn chui được vào xã hội dân sự. Mà cho dù không có súng đạn, thì những tư tưởng bắn giết ăn vào tâm trí người chơi cũng là hậu quả lớn rồi”.

Một thực tế đang lo ngại khác của các GO khi xâm nhập vào Việt Nam là trong khi trên thế giới, nhiều GO được phân loại theo lứa tuổi, thì tại Việt Nam hiện nay, không hề có giới hạn tuổi tác cho người chơi game. Trong khi nhiều nước trên thế giới, một số game bạo lực, sex bị cấm đối với trẻ em, thì ở Việt Nam, khi được phát hành, một đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể cầm súng, vào vai một tên khủng bố, đi đặt bom và bắn, giết… như những người lớn tuổi.

Không như phim ảnh và sách vở, tác động của các loại GO nhập vai trực tuyến là rất sâu đậm, vì người chơi được “nhập vai”, được “hóa thân” vào nhân vật của mình. Với việc 3 GO bắn súng này sắp được phát hành tại Việt Nam, có bao nhiêu đứa trẻ sẽ được lớn lên với 1 tuổi thơ toàn “nhập” vào “vai” của những tên khủng bố?

Một GO trước khi phát hành tại Việt Nam, cần được thẩm định kịch bản từ các cơ quan chức năng. Các kịch bản bắn giết này có lẽ nào xứng đáng được thông qua cho mọi giới, mọi lứa tuổi bạn trẻ Việt Nam “nhập vai trực tuyến”?

Minh Tú

Ngày 8-3, GO Special Force đã được FPT Online chính thức phát hành tại Việt Nam với tên “Đặc nhiệm anh hùng”. Chiều 9-3, một chương trình quảng bá mang tên “Phố đặc nhiệm” đã được FPT Online triển khai đồng loạt tại đường Lê Thanh Nghị, khu ĐH Bách khoa Hà Nội và đường Bắc Hải, cư xá Bắc Hải, TPHCM.

Có 60 tấm băng rôn và 40 hình người cầm súng đã được treo và dựng trên đường Bắc Hải, TPHCM. Hai xe Jeep chở 6 nam, 6 nữ mặc đồ chiến, cầm súng (giả) đi dọc tuyến đường này và vào các tiệm Internet để hướng dẫn chơi game và tổ chức cho các bạn trẻ (và nhỏ) bắn súng. Ngoài ra, chương trình quảng bá này còn có 40 cô gái mặc đồng phục của GO “Đặc nhiệm anh hùng” đi phát tờ rơi và tặng quà.

Theo đơn vị tổ chức, chương trình quảng bá này đã được cấp giấy phép quảng cáo và giấy phép diễu hành.

Tin cùng chuyên mục