Xây dựng chiến lược cụ thể đào tạo con người

Tôi xin góp một số suy nghĩ của mình xung quanh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Thông thường, muốn định hướng phát triển phải bám sát thực tại với thái độ nhìn thẳng, nói thật như Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã khẳng định. Đối với việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, tôi nghĩ cũng phải theo tinh thần như thế.

Đọc lại Cương lĩnh 1991, đây đó tôi vẫn thấy thấp thoáng một ý tưởng hơi chủ quan, nóng vội, muốn đẩy nhanh thời kỳ quá độ, hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH. Ý tưởng và mong muốn đó, xét về mục đích, động cơ là chính đáng nhưng xét về thực lực chủ quan, về khả năng thực tế để biến các ý tưởng đó thành sự thật thì không hề đơn giản. Sau hơn 20 năm đổi mới, hôm nay nếu so với thời kỳ trước 1975, trước 1990, có nhiều lĩnh vực nước ta tiến rất nhanh. Điều đó dễ làm chúng ta hài lòng để tăng tốc tiếp. Nhưng nếu nhìn kỹ lại thực trạng vừa qua và hiện nay, nhất là về phương diện xã hội - văn hóa - đạo đức - nhân văn, không khỏi có những băn khoăn, trăn trở.

Cương lĩnh năm 1991 đã nói rõ và được tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 rằng, chúng ta chủ trương đi lên CNXH không chỉ thuần túy bằng xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh tế hàng hóa, mà là một tổng thể các mặt rất toàn diện, có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó có những tiêu chí hết sức quan trọng như xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội - con người, gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội ngay trong mỗi bước đi lên. Đây là một trong những điều khác với CNTB và cũng là một chuẩn mực để phân biệt CNXH với CNTB. Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất, lâu dài và phức tạp nhất ở nước ta là quá trình xây dựng, phát triển, hoàn thiện thượng tầng kiến trúc - văn hóa - xã hội và nhân tố con người theo những tiêu chí của CNXH. Ngoài ra phải nâng tầm tư duy và trí tuệ của hơn 80 triệu người Việt Nam, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, công chức, công nhân kỹ thuật, từ mặt bằng tri thức khoa học đến ý thức hành động một cách tự giác, có tay nghề với tính chuyên nghiệp.

Để khắc phục những bất cập ấy, không đơn giản chỉ là mở ra nhiều trường lớp, cấp nhiều bằng cấp, chứng chỉ. Bởi hiện nay, chỉ một việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chúng ta đã loay hoay mấy chục năm nay với biết bao đề án cải cách nhưng nay vẫn thiếu một chiến lược tổng thể phù hợp với thực trạng xã hội và con người Việt Nam. Dấu vết, tàn dư của phong cách người sản xuất nhỏ, “bóc ngắn cắn dài” còn đầy rẫy trong sản xuất, kinh doanh, cả trong cạnh tranh và trong đời sống của hàng triệu con người Việt Nam. Công phu hơn, phức tạp hơn, tốn nhiều tiền bạc, thời gian, công sức hơn chính là ở việc xây dựng, củng cố, rèn luyện một tinh thần, ý thức của người công dân XHCN mà điều rõ rệt, cụ thể có thể nhận biết được trước hết là ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương và đạo đức, tư cách ứng xử trong cuộc sống, giữa người và người.

Không có một lộ trình thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp tục giải phóng và nâng cao năng lực, trình độ con người Việt Nam nói chung, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng, chúng ta sẽ khó có thể nâng cao phẩm chất và năng lực sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu với quốc tế.

Triệu Vũ
(Nguyên giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính)

Tin cùng chuyên mục