Ngày 7-9, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có cuộc làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Nội vụ về triển khai thực hiện Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thăm hỏi bà Ngô Thị Huệ, Chủ tịch Danh dự Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Ảnh: VIỆT DŨNG
Các điểm nghẽn làm giảm động lực phát triển
Báo cáo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Nội vụ TP gồm 2 phần, do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trương Văn Lắm và Phó Giám đốc Lê Hoài Trung trình bày. Đánh giá về nội dung các báo cáo, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá khá hoàn chỉnh, các mặt cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… đều rất sáng sủa. Thế nhưng, khi đi vào từng vấn đề thì đồng chí Đinh La Thăng thấy không yên tâm, còn nhiều bất cập. Đơn cử như các mục tiêu phát triển của TP năm nào cũng tăng, kèm theo đó là các chỉ số cạnh tranh (PAPI, PCI, tính năng động…) cũng tăng, nhưng tăng thứ hạng tụt lùi từ hạng 10 của một chỉ số năm 2010 “lên” hạng 47 so với cả nước. “Điều này phải xem lại, do bộ máy, do con người hay do cái gì. Ngay như chỉ số tính năng động, TPHCM nhiều năm được coi là thương hiệu, đặc trưng không ai có, thế mà giờ lại thua nhiều địa phương thì không chấp nhận được”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt vấn đề.
Đồng chí Đinh La Thăng đưa ra một loạt điểm nghẽn khác để thấy sự trì trệ. Trong đó, công tác cải cách hành chính (CCHC), mà mấu chốt là chăm lo đời sống, thu nhập cho cán bộ, công chức, được đồng chí đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không có cơ chế đột phá để TP phát triển mạnh lên, kèm theo là cơ chế đột phá về tiền lương, thu nhập… Việc này sao không làm, rõ nhất là đẩy mạnh xã hội hóa lên sẽ giải quyết được hết”. Quay sang Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Thanh, đồng chí Đinh La Thăng hỏi: “Ngân sách giáo dục hàng năm chi 28%, giờ đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa tài chính, cơ sở vật chất một số trường đủ điều kiện, rồi giữ nguyên tỷ lệ chi đó tập trung cho những trường còn lại, chất lượng giáo dục, đời sống, thu nhập của giáo viên có nâng lên không?”. “Chắc chắn được. Như ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, học phí có cao hơn trường quốc tế phụ huynh vẫn cho con vào học”, Phó Giám đốc Phạm Ngọc Thanh trả lời. “Thế tại sao chúng ta không làm. Ngay như ở các khu đô thị mới, chủ đầu tư đã xây dựng các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục…, nhưng nếu để họ tự quản lý, tổ chức hoạt động thì ngân sách đỡ biết bao nhiêu. Tại sao lại đề nghị nhà đầu tư chuyển cho Nhà nước quản lý, như vậy có phải chúng ta ôm thêm việc không, mà ôm như vậy lại phát sinh nhân sự, tài chính… rất tốn kém. Phải bỏ ngay tư duy này, cứ làm thế thì không phát triển được. Ở đây nó liên quan đến dạy thêm, vì lương sống không đủ các thầy cô giáo mới dạy thêm. Nếu chúng ta có cơ chế tốt bảo đảm đời sống thu nhập cho thầy cô, thì không chỉ Nhà nước giảm chi ngân sách, mà còn tạo động lực cho giáo viên dạy tốt hơn”, đồng chí Đinh La Thăng nói.
Dẫn chứng ở Viện Nghiên cứu phát triển, cơ quan tham mưu cho Thành ủy, UBND TP nhưng chỉ có 2 PGS, 4 TS với đồng lương vài triệu đồng mỗi tháng, và ở Học viện Cán bộ, đưa ông giám đốc từ chỗ 40 - 50 triệu đồng/tháng về còn 8 triệu đồng/tháng, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng rất bất hợp lý trong chính sách tiền lương và không thể có động lực để làm việc và sáng tạo. Đây cũng là điểm nghẽn phải quyết liệt tháo gỡ. “Tôi biết ở một cơ quan báo chí mỗi năm làm được bao nhiêu bị trừ vào số cấp kinh phí thì lấy đâu nâng mức sống cho cán bộ, nhân viên. Nếu có cơ chế khoán thu, khoán chi, tự chủ phân phối phần dôi dư mà họ làm được, đời sống, thu nhập của anh em được nâng lên, hiệu quả công việc cũng sẽ cao hơn. Đấy là cơ chế, chúng ta nên mở ra ở cả các đơn vị sự nghiệp công khác nữa. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho phép TPHCM được thí điểm những lĩnh vực mà luật chưa cho phép, sao chúng ta không làm. Cơ chế mở tạo động lực để làm ra được nhiều tiền, đi cùng với nó là phần tái tạo lại sức lực làm ra đồng tiền đó cho cán bộ, công chức, người lao động thì chúng ta nên làm”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Vấn đề tuyển dụng giáo viên phải có hộ khẩu KT3, quy định giáo viên xin chuyển công tác phải xin nghỉ ở nơi cũ và xét tuyển lại ở nơi mới cũng được đồng chí Đinh La Thăng nêu ra để thấy những bất hợp lý và yêu cầu bỏ ngay. Trong công tác cán bộ cần phân cấp cho giám đốc sở, chủ tịch quận - huyện được bổ nhiệm cán bộ cấp mình và chịu trách nhiệm với các cán bộ này để bớt dồn lên Ban Tổ chức Thành ủy.
Dân tin chính quyền, chính quyền tin dân
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP không có tên trong thành phần dự cuộc họp, nhưng 9 giờ 15 ông bước vào phòng họp theo lời mời của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. “Cuộc họp này có nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, về bộ máy, con người nên lúc 8 giờ 15 tôi bấm máy mời PGS-TS Ngân dự”, đồng chí Đinh La Thăng nói. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, TP đã có tín hiệu chuyển động trên nhiều mặt, doanh nghiệp (DN) mới tăng, niềm tin của dân và DN cũng tăng, và đặc biệt là cả bộ máy đã vào cuộc mạnh hơn. Ông cũng cho biết, Học viện Cán bộ TP đang đào tạo 450 cán bộ theo tiêu chuẩn tài, đức và tin tưởng vài năm nữa bộ máy sẽ có con người và tổ chức hoàn chỉnh để xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ dân tốt nhất.
“TP đang tập trung theo hướng này và xác định chủ đề “Thành phố mang tên Bác khát vọng ngời sáng, hướng tới tương lai”. Mỗi cấp ủy Đảng, mỗi đơn vị phải theo hướng này, phải có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Trong giải pháp thực hiện phải đẩy mạnh CCHC để phục vụ người dân và DN tốt nhất. CCHC để giải phóng năng lượng nội sinh trong mỗi con người, để tạo niềm tin của người dân, DN với chính quyền, và chính quyền có niềm tin với người dân và DN. CCHC phải tập trung xã hội hóa thật nhanh các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện, trường học. Có như vậy, đồng lương, thu nhập cho cán bộ, công chức mới được cải thiện, mới tạo ra được động lực để phát triển. Nếu không làm sớm, không làm tốt vấn đề này thì năng lực sáng tạo sẽ mất đi và làm chậm sự phát triển của TP”, đồng chí Đinh La Thăng kết luận .
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có cuộc làm việc với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Đồng chí Đinh La Thăng đánh giá cao những nỗ lực, trách nhiệm của hội bằng nhiều hoạt động rất thiết thực và nghĩa tình chăm lo đến người dân nghèo. Chính những việc làm của hội đã góp phần quan trọng cùng với các cấp chính quyền chăm lo đời sống người dân, phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm; khơi gợi và làm cho cả xã hội cùng hướng đến mục tiêu giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật có cuộc sống tốt hơn. Hoạt động của hội không chỉ trong phạm vi TPHCM, mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương khác, giúp cho nhiều người nghèo, nhiều vùng khó khăn vươn lên. Lãnh đạo TP trân trọng những việc làm cao quý này và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hội hoạt động và hoạt động hiệu quả, góp phần cùng chính quyền TP chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là các đối tượng nghèo, cận nghèo, tàn tật, neo đơn. |
HOÀI NAM