Từ nay đến năm 2020
* Gần 21.000 tỷ đồng xây tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh
(SGGP).- Tại hội thảo đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 7 do Bộ GTVT phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, GTVT và du lịch Nhật Bản tổ chức ngày 5-12 ở Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xác định ưu tiên hàng đầu trong những năm tới là tập trung vốn và tạo cơ chế đột phá xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2020, dự kiến sẽ thực hiện 22 dự án với chiều dài khoảng 1.851,6km đường cao tốc, chiếm 31,5% khối lượng so với quy hoạch, bao gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến cao tốc phía Nam và các tuyến cao tốc khác. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ thực hiện các đoạn tuyến còn lại với tổng chiều dài khoảng 4.000km, bao gồm cả các đoạn tuyến thuộc nhóm dự án cần hoàn thành đầu tư trước năm 2020 nhưng có khả năng không thực hiện được và các dự án theo quy hoạch sẽ hoàn thành đầu tư sau năm 2020.
Tại hội thảo, phía Nhật Bản cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề tổ chức, thể chế phát triển và vận hành mạng lưới đường cao tốc, các công nghệ liên quan tới việc vận hành, quản lý và duy tu bảo dưỡng đường cao tốc, cơ chế huy động vốn cũng như các chính sách nhằm thu hút vốn, góp phần phát triển mạng đường cao tốc tại Việt Nam.
* Ngày 5-12, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết vừa trình Bộ GTVT thẩm định và chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Theo đó, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh dài 128km, được xây dựng theo khổ 1.435mm, vận tốc thiết kế 120km/giờ, có điểm đầu tại ga Dĩ An, đường sắt Bắc - Nam, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư). Dự kiến, tuyến đường sắt gồm 16 ga này được chia thành 2 phân đoạn: Dĩ An - Chơn Thành dài 61,4km sẽ là đường đôi và Chơn Thành - Hoa Lư dài 66,8km sẽ là đường đơn. Dự án có tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng.
BÍCH QUYÊN