Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020

Xây dựng nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, hài hòa giữa đô thị và nông thôn

Xây dựng nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, hài hòa giữa đô thị và nông thôn

Trước tình hình “nở rộ” của các loại hình kiến trúc trên khắp mọi miền đất nước trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã ban hành “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020” nhằm định hướng phong cách nghệ thuật kiến trúc của nước ta trước sự đa dạng về loại hình nghệ thuật này trong thời kỳ mở cửa.

Phát triển bền vững trong môi trường sinh thái

Việc phát triển kiến trúc trước hết phải phù hợp với thiên nhiên, địa hình và khí hậu của các vùng lãnh thổ. Từ đặc điểm nước ta nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau trải dài từ Nam ra Bắc, nền kiến trúc cũng cần có những giải pháp không gian kiến trúc khác nhau như: kiến trúc vùng miền núi, kiến trúc vùng trung du, kiến trúc vùng đồng bằng (Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ), kiến trúc vùng ven biển… qua đó tạo nên một quần thể kiến trúc phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc riêng cho từng vùng miền trên cả nước.

Xây dựng nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, hài hòa giữa đô thị và nông thôn ảnh 1

Trung tâm TPHCM với nhiều kiến trúc hiện đại. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một trong những yêu cầu của phát triển đô thị nước ta trong giai đoạn mới đó là phát triển bền vững trong môi trường sinh thái. Với kiến trúc, đó là sự bền vững trong sự cân đối, hài hòa với môi trường đô thị và môi trường nông thôn.

Phát triển kiến trúc quy hoạch phải không tác động xấu đến môi trường sinh thái và phải cần có sự gắn kết hữu cơ với nó để tạo môi trường sống ngày một tốt hơn cho con người. Theo đó, sự phân bố các trung tâm đô thị phải tương đối đồng đều đảm bảo yêu cầu dần xóa đi khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Phát triển các đô thị quy mô nhỏ cả ở vùng sâu, vùng xa để kiến trúc văn minh đến được với người dân ở những vùng khó khăn nhất của đất nước.

Cũng với quan điểm đó, trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 (xem Báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 27-6-2007) đã đề ra việc phát triển 5 loại hình đô thị phân bố đồng đều trên khắp các vùng miền nhằm làm cho môi trường sống giữa đô thị và nông thôn trở nên hài hòa, gắn kết và giảm thiểu sự khác biệt,... nhiệm vụ của kiến trúc là thiết kế, quy hoạch các đô thị này làm sao để hạn chế việc hình thành các “siêu đô thị” hay “chuỗi đô thị” tập trung để tránh việc san ủi, can thiệp quá nhiều vào môi trường sinh thái, phá thảm thực vật, mảng xanh, san lấp mặt nước… gây ảnh hưởng đến môi trường sống ở các đô thị trong tương lai.

Khai thác tiến bộ văn minh của kiến trúc thế giới

Trong thời kỳ mới, yêu cầu cao nhất của sáng tạo kiến trúc là tạo ra các không gian kiến trúc ở cả đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tốt những tiến bộ, văn minh thế giới, đồng thời phải đảm bảo phát huy được những đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. Trước khi đặt bút vào một công trình kiến trúc, các KTS cần tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới và khu vực nhằm hiện đại hóa khoa học kiến trúc, công nghệ xây dựng trong nước. Đồng thời các KTS cũng cần biết thừa kế những truyền thống văn hóa tốt đẹp để tạo ra các công trình kiến trúc hiện đại, có bản sắc và phát triển bền vững trong môi trường cân bằng sinh thái thỏa mãn nhu cầu ngày một cao của người dân.

Về không gian kiến trúc, “định hướng phát triển kiến trúc đến năm 2020” nêu rõ: Đối với các đô thị lớn, có quá trình phát triển dài hơi, lâu đời kết hợp giữa bảo tồn, cải tạo, phát triển các đô thị hiện hữu với các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, có hạ tầng đầy đủ, tỷ lệ cây xanh, mặt nước cao. Ở các khu đô thị mới nhất là ở các thành phố lớn, cần phát triển kiến trúc cao tầng, nhiều tầng xen lẫn thấp tầng tạo ra tổng thể hoàn chỉnh từ kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật. Các đô thị mới phải đảm bảo tính công năng kỹ thuật, đảm bảo kinh tế và bền chắc, tính thẩm mỹ cao. Ở các đô thị vừa và nhỏ (đô thị cấp huyện, thị xã) nên phát triển các loại kiến trúc ít tầng với mật độ xây dựng thấp trong đó đan xen một vài kiến trúc cao tầng tạo điểm nhấn.

Tại các đô thị cổ, việc bảo tồn các di sản văn hóa kiến trúc có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra bản sắc kiến trúc đô thị. Ở những nơi này, cần kết hợp giữa bảo tồn, cải tạo và phát triển dựa trên những yếu tố lịch sử và phong cách kiến trúc của từng đô thị cổ.

Điểm quan trọng trong định hướng không gian kiến trúc đô thị chính là việc tạo ra hồn đô thị từ kiến trúc tổng thể đến các khu vực dân cư. Vẻ đẹp kiến trúc đô thị phải từ vẻ đẹp của các quảng trường đến các đại lộ, đường phố, ngõ hẻm. Không gian kiến trúc đô thị cần phải là những tổ hợp nghệ thuật của kiến trúc, điêu khắc, cảnh quan, màu sắc và chất liệu. Các KTS phải lưu ý khi sáng tác sao cho vẻ đẹp của các đô thị này phải đẹp cả ban ngày và lung linh khi đêm xuống.

Các KTS phải “nhảy” vào cải tạo kiến trúc nông thôn, áp dụng kỹ thuật mới vào kiến trúc xây dựng

Khi phát triển không gian kiến trúc nông thôn, cần kết hợp giữa kiến trúc không gian ở với không gian phát triển kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi…) du lịch và văn hóa. Kiến trúc ở từng vùng nông thôn khác nhau cần có sự lưu ý đến truyền thống về tập quán của các dân tộc, văn hóa của từng địa phương vùng miền nhằm đảm bảo một nền kiến trúc đa dạng nhiều bản sắc. Khi tham gia vào kiến trúc nông thôn, các KTS cần lưu ý tới tình làng xóm, tính cộng đồng để sáng tác sao cho phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và đặc điểm vùng miền ở từng vùng nông thôn cụ thể.

Ngoài ra, “định hướng phát triển kiến trúc VN đến 2020” cũng nêu rõ phương châm sáng tác thiết kế kiến trúc là thực hiện tính “Thích dụng, bền vững, kinh tế, mỹ quan, thể hiện được tính dân tộc và tính hiện đại” để vận dụng sáng tạo vào các thể loại kiển trúc công trình với mức độ và liều lượng khác nhau. Định hướng phong cách nghệ thuật kiến trúc Việt nam được hình thành trên tinh thần khuyến khích sáng tạo dựa trên bản sắc dân tộc nhằm tạo phong cách sáng tác cho từng KTS.

Điểm mới trong định hướng lần này chính là việc kiến trúc Việt Nam cần tiếp thu có chọn lọc khoa học công nghệ, kỹ thuật xây dựng tiên tiến của thế giới đồngt thời áp dụng công nghệ xây dựng cổ truyền vào thiết kế các công trình kiến trúc xây dựng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng kiến trúc cao tầng, công trình ngầm, các công trình nổi trên mặt nước, các công trình kiến trúc lớn của đất nước. 

VIỆT HÙNG

Tin cùng chuyên mục